Cần tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Trong ảnh: Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Đ.T

Cần tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Trong ảnh: Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Đ.T

Sốt ruột vì “chậm giải ngân, chậm tăng trưởng”

Lần đầu tiên, “bảng xếp hạng” giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương được công khai, minh bạch. Đây có thể là một biện pháp hữu hiệu góp phần thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bởi dư luận lâu nay đã quá sốt ruột với chuyện “chậm giải ngân, chậm tăng trưởng”.

Công khai xếp hạng giải ngân để thúc tiến độ 

Hai ngày trước đây, trên cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuất hiện một bản báo cáo khá lạ. Đó là “bảng xếp hạng” các đơn vị giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng vừa qua, trong đó có đầy đủ top 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao nhất và top 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp nhất. 

Những cái tên được nêu gương vì có tỷ lệ giải ngân tốt là Bộ Khoa học và Công nghệ (78,04%), Nam Định (53,76%), hay Ninh Bình (50,51%), Hà Giang (45,04%)…

Trong khi đó, không ít bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, như Ngân hàng Nhà nước chỉ 0,93%, Vĩnh Phúc chỉ 0,65%, thậm chí Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chưa giải ngân được đồng nào (0%).

Đây là con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai dựa trên số liệu mà các bộ, ngành, địa phương báo cáo trên Hệ thống thông tin về đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Từ số liệu đã báo cáo, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là khoảng 50%.

Tuy vậy, con số trên chưa phản ánh đúng chuyện giải ngân vốn đầu tư công của cả nước.

Lý do là, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới chỉ có 65/126 đơn vị có dự án sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA, ngân sách địa phương, nguồn thu để lại cho đầu tư, nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước gửi báo cáo về cổng thông tin về đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Có nghĩa là, rất nhiều đơn vị đã không tuân thủ đúng quy định về việc báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Và tình trạng này không phải bây giờ mới có. 

Việc nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo (không gửi báo cáo hoặc báo cáo chỉ có số liệu, không có đánh giá), theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gây khó khăn trong việc tổng hợp, xử lý những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là đơn vị đã chủ động đề xuất và được Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chấp thuận việc công khai kết quả giải ngân của các bộ, ngành, địa phương để toàn xã hội theo dõi.

“Thông qua kết quả xếp hạng giải ngân, chúng tôi hy vọng, các bộ, ngành, địa phương sẽ có thêm sức ép để đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Chậm giải ngân, chậm tăng trưởng

Nỗi lo về chậm giải ngân, chậm tăng trưởng một lần nữa được nhấn mạnh, khi tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo rằng, dù đã có dấu hiệu cải thiện, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu.

5 tháng đầu năm, cả nước giải ngân được trên 94.108 tỷ đồng, bằng khoảng 24,5% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và tương đương 23,5% dự toán.   

Năm tháng đầu năm, cả nước giải ngân được trên 94.108 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng khoảng 24,5% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Sốt ruột trước tình trạng này, nhất là khi ngay cả các đầu tàu kinh tế cũng giải ngân thấp, Hà Nội 30% còn TP.HCM chỉ 15%, Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2018 đã nhấn mạnh, đây chính là một nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, chậm đưa công trình vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng. 

Theo Thủ tướng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cần thảo luận để có biện pháp mạnh mẽ hơn. Thủ tướng cũng cho biết, trong khi đi thị sát một số công trình, thì thấy có bố trí vốn nhưng giải ngân quá chậm “do cách làm”.

Đây cũng là điều được Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh lâu nay, sau khi đi làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. “Quốc hội, Chính phủ sốt ruột lắm.

Một đồng đầu tư công đều là vốn mồi mà nay giải ngân chậm thì vốn các nguồn khác cũng chậm theo. Vốn ra chậm ngày nào thì tăng trưởng chậm ngày đó”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Có lẽ đấy cũng chính là lý do để Thủ tướng chỉ đạo rằng, cùng với giải ngân vốn đầu tư công, thì cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bởi hai kênh vốn này cùng góp phần quan trọng vào tăng trưởng.

“Nguồn lực chúng ta có hạn, cần phải kết hợp nhiều kênh vốn cho phát triển, trong đó có kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài”, Thủ tướng nói.

Kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư,đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán đối với các dự án đầu tư công;

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống để triển khai thực hiện công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương trên trang điện tử để các tổ chức, cá nhân theo dõi tiến độ, mức độ giải ngân.

Tin bài liên quan