Sợi chỉ đỏ trong lòng người Việt

Theo GS-TS. Nguyễn Chí Bền, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ người Việt.
Sợi chỉ đỏ trong lòng người Việt

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang những giá trị nổi bật và khác biệt như thế nào, thưa ông?

Giá trị lớn nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sáng tạo văn hóa mang tầm kiệt tác của nhân loại.

Người Việt có truyền thống thờ tổ tiên trong mỗi gia đình, gia tộc; nâng lên ở cấp làng là thờ thành hoàng làng và ở cấp quốc gia là thờ cúng Hùng Vương.

Khi tham gia vào quá trình chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, điều tôi quan tâm nhất là sự khác biệt của tín ngưỡng này. Tiêu chí được UNESCO đánh giá cao ở tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị tín ngưỡng với sự sáng tạo của người Việt gắn với 18 vị Vua Hùng, gắn với khởi thủy của quốc gia, dân tộc là Nhà nước Văn Lang.

Điều này khác hoàn toàn với tôn giáo, vì tôn giáo chỉ có một nhân vật trung tâm. Ở Trung Quốc, tại vùng Quảng Tây, dân tộc Choang cũng thờ một vị gần giống như Hùng Vương, cũng giỗ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, có bánh chưng, bánh giầy, nhưng chỉ là một nhân vật văn hóa, không gắn với quốc gia, dân tộc.

Điều đáng nói nhất là tín ngưỡng ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một phần bản sắc không thể thiếu của người Việt, là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới, hiếm có dân tộc nào có tín ngưỡng thờ cúng chung một ông Tổ như nước Việt Nam ta.  Từ thế kỷ XV, lịch sử đã có ghi chép về thờ cúng Hùng Vương. Nhà Nguyễn coi Vua Hùng là Thánh Vương. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương theo tục truyền.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ người Việt, là sợi chỉ đỏ trong lòng người Việt. Không chỉ có 3 ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh thờ Hùng Vương, vùng trung tâm tín ngưỡng ở Phú Thọ có hơn 100 làng thờ Hùng Vương, trên phạm vi cả nước, có hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương.

Thưa ông, giá trị cội nguồn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được thể hiện như thế nào trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta?

Thế kỷ XX là thời kỳ khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, đất nước bị phương Tây xâm lược, khác với giai đoạn trước là kẻ thù từ phương Bắc. Người Việt đã đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ Tổ quốc và vận mệnh dân tộc.

Trong gian khó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả dân tộc. Đó là lý do vì sao, ngay sau khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, kế tục truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của cha ông, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Phó chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chủ trì làm lễ dâng hương tại Đền Hùng.

Tại buổi lễ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã trang trọng dâng lên bàn thờ các Vua Hùng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm - hai vật báu nói lên ý chí của nhân dân ta trước họa xâm lăng, khi bọn thực dân, đế quốc đang đe dọa trở lại; thể hiện ý nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược để giữ yên bờ cõi.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 9/9/1954, tại Đền Giếng trong quần thể Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngay sau khi ký xong Hiệp định Geneve, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hoành tráng đến mức, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) có đăng bài nói về việc người dân Việt Nam hồ hởi, hăm hở đến lễ hội thể hiện tinh thần dân tộc.

Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, dù ai ở xa, dù đang bận rộn, dù đi đâu, về đâu cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.

Việt Nam đang bước ra thế giới với tâm thế của một đất nước hòa bình, phát triển và có trách nhiệm. Theo ông, những giá trị cội nguồn đóng vai trò thế nào trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, huy động mọi tầng lớp nhân dân cùng tri thức người Việt khắp năm châu cùng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng?

Mặc dù là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng trong tâm thức người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành “vật thể”, hiện hữu. Đó là sợi dây cố kết người Việt với nhau.

Thế kỷ XXI chứng kiến sự biến đổi của lịch sử và cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, trong đó, văn hóa có một “sức mạnh mềm” rất to lớn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với thế giới phẳng hiện nay, việc giữ gìn văn hóa có ý nghĩa quan trọng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là bản sắc Việt Nam và hơn thế, còn là di sản văn hóa phi vật thể mang tầm nhân loại. Đó là niềm tự hào của người Việt, đi cùng trách nhiệm gìn giữ giá trị di sản và quảng bá truyền thống, bản sắc văn hóa.

Ví dụ, chúng ta có thể giới thiệu tới du khách, bạn bè quốc tế tín ngưỡng này bằng việc thu hút họ tham gia vào các trải nghiệm làm bánh chưng, bánh giầy, các hoạt động lễ hội của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Những người Việt ở nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến cơ hội đầu tư vào các giá trị văn hóa. Với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vấn đề đặt ra là phải vừa giữ gìn, vừa phát huy và khai thác được giá trị kinh tế, đặc biệt về phát triển du lịch. Với sự bùng nổ của công nghệ hiện nay, chúng ta có thể tạo ra một cuốn sách 3D về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để có thể giới thiệu nét văn hóa độc đáo của người Việt ra thế giới, hay đơn giản là ứng dụng công nghệ để truyền cảm hứng dân tộc, giúp mọi người dân Việt Nam có thể chứng kiến nghi lễ linh thiêng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…

Tin bài liên quan