Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu) phát triển dự án đô thị tại Việt Nam.

Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu) phát triển dự án đô thị tại Việt Nam.

Sẽ có 70% doanh nghiệp Nhật mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Đó là khảo sát mới đây của Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro). Theo đó, các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... là điểm đến được các nhà đầu tư Nhật ưa thích.

Ông Hideyuki Okada, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JBAH) trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây cho biết, các doanh nghiệp Nhật đánh giá cao môi trường đầu tư tại Bình Dương và sẵn sàng mở rộng hợp tác. “Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực đầu tư dự án sản xuất, dịch vụ, phát triển đô thị...”, ông Hideyuki Okada nói.

Theo người đứng đầu JBAH, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ xem xét và cân nhắc đề nghị của Bình Dương về đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện, Nhật Bản đang đứng ở vị trí thứ 2 trong số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương, với gần 300 dự án, tổng số vốn đầu tư khoảng 5,1 tỷ USD, trong đó dự án trong lĩnh vực sản xuất chiếm đa số.

Đa số doanh nghiệp Nhật nhận định, quy mô thị trường và tính tăng trưởng vẫn là lợi thế lớn nhất của môi trường đầu tư tại Việt Nam.   

Các dự án của doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ... tuy số lượng không nhiều, nhưng có quy mô vốn đầu tư khá lớn. Chẳng hạn, dự án đầu tư khu đô thị có vốn đăng ký 1,2 tỷ USD của Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu). Hay dự án siêu thị AEON Bình Dương của Tập đoàn AEON, có vốn đầu tư 95 triệu USD.

Mới đây, Tập đoàn NTT Nhật Bản đã hợp tác với Tổng công ty Becamex IDC để thành lập một liên doanh chuyên hoạt động trong lĩnh công nghệ thông tin với vốn đầu tư đăng ký hơn 171 triệu USD.

Tại TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) vừa cấp phép cho dự án của Công ty TNHH MTV Key Tech Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký là 46 tỷ đồng, có mục tiêu hoạt động là cung cấp sản phẩm cho nhà máy của Tập đoàn Nipro (Nhật Bản) sắp đi vào hoạt động tại SHTP.

Với Đồng Nai, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cho biết, dự án có vốn đầu tư tăng thêm lớn nhất từ đầu năm 2019 đến nay là của Công ty sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm hơn 60 triệu USD. Được biết, Nhật Bản hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với khoảng 250 dự án, tổng vốn gần 4,4 tỷ USD.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng đại diện Jetro tại TP.HCM cho biết, xu hướng đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo của doanh nghiệp Nhật vẫn gia tăng. Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, cũng như sự ổn định về chính trị, xã hội. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, tỷ lệ cung ứng nội địa của Việt Nam cũng có sự cải thiện tích cực qua từng năm.

Theo ông Takimoto Koji, khảo sát mới nhất của Jetro cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh, trong đó tập trung mạnh lĩnh vực công nghiệp chế tạo và thương mại, dịch vụ, hệ thống bán lẻ. Đa số doanh nghiệp Nhật nhận định, quy mô thị trường và tính tăng trưởng vẫn là lợi thế lớn nhất của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

“Trung bình mỗi năm, văn phòng Jetro tại TP.HCM tiếp khoảng 6.000 lượt doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, trong số đó, có nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng cung cấp dịch vụ; một số công ty hoạt động trong lĩnh vực dược, làm đẹp của Nhật Bản cũng đầu tư thông qua mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Takimoto Koji nói.

Với dân số 97 triệu người, thu nhập ngày càng được cải thiện và là thị trường tiêu thụ có quy mô lớn, khả năng tăng trưởng cao, nên một số doanh nghiệp Nhật Bản trước đây chuyên sản xuất hàng xuất khẩu cũng đang có xu hướng khai thác thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam.

Tin bài liên quan