Sáu điểm nhấn của công nghiệp năm 2015

Sáu điểm nhấn của công nghiệp năm 2015

Tốc độ tăng một số chỉ tiêu về công nghiệp năm 2015 so với năm 2014 đang tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2016.

Có 6 điểm khẳng định cho nhận định này.

Thứ nhất, tăng trưởng công nghiệp có xu hướng cao lên và tiến tới phục hồi. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) có xu hướng cao lên qua các quý (mức tăng tương ứng từ quý I đến quý 4 là 9,3% - 10,2% -  9,3% - 10%) và cao lên qua 4 năm gần đây (năm 2012 tăng 5,8%, năm 2013 tăng 5,9%, năm 2014 tăng 7,6%).

Đà cao lên như trên là dấu hiệu rõ rệt và là tín hiệu khả quan để công nghiệp tiến tới phục hồi, là động lực, đầu tàu kéo theo toàn bộ nền kinh tế nói chung tiến tới phục hồi tăng trưởng (cao nhất tính từ năm 2008 và lần đầu tiên vượt qua mốc 6,6%).

Thứ hai, tăng trưởng IIP đạt được ở cả 4 ngành công nghiệp cụ thể. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và thể hiện tiêu chí của nước chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp rõ nhất) đã tăng cao và đóng góp 7,5 điểm phần trăm vào tổng tốc độ tăng trưởng chung 9,8% (hay chiếm 76,5% tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp).

Thứ ba, một số sản phẩm công nghiệp tăng cao hơn nhiều so với tốc độ chung, như điện thoại, ô tô, ti vi, giày dép, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, sơn hóa học, sữa tươi, thép cán, điện… nhờ tiêu thụ tốt cả ở trong nước và xuất khẩu.

Thứ tư, tăng trưởng IPP công nghiệp đạt khá ở nhiều địa bàn. Trên một số địa bàn, công nghiệp tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng công nghiệp của cả nước, như Thái Nguyên (97%), Quảng Nam (35,3%), Hải Phòng (16,6%), Phú Thọ (15,4%), Đà Nẵng (12,9%), Bình Dương (10,9%), Hải Dương (10,6%)... Mức tăng cao này góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm... ở các địa bàn trên và góp phần vào tốc độ tăng cao của công nghiệp cả nước.

Thứ năm, tiêu thụ là tín hiệu để đầu tư, là động lực của sản xuất, là tiền đề giảm tồn kho sản phẩm. Cùng với việc tăng lên của sản lượng sản xuất, khâu tiêu thụ của công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và của toàn ngành công nghiệp nói chung đã được cải thiện đáng kể. Trong công nghiệp chế biến, chế tạo, tốc độ tăng tiêu thụ tháng 11/2015 cao hơn tốc độ tăng của sản xuất (tương ứng tăng 12,6% so với 10,3%), trong đó có một số ngành còn tăng cao hơn, như xe có động cơ, điện tử, máy tính, kim loại, đúc, da giày…

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 1/12 năm nay so với cùng thời điểm năm trước tăng 9,5%, tuy vẫn còn cao, nhưng đã thấp hơn cùng thời điểm những năm trước nữa, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho thấp hơn, như trang phục, cao su, hoặc còn giảm, như điện tử máy tính, hóa chất, thiết bị điện, thuốc lá, giường tủ bàn ghế...

Thứ sáu, các yếu tố tác động đến tăng trưởng và cơ cấu công nghiệp cũng là điểm nhấn đáng quan tâm. Ở đầu vào, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong năm nay đã tăng khá so với năm trước, đạt tỷ lệ khá so với GDP và tăng ở cả 3 nguồn. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 6,1% và đạt 100,6% kế hoạch năm, trong điều kiện cân đối ngân sách khó khăn.

Trong đó, một số bộ/ngành, tỉnh/thành phố còn đạt kế hoạch năm và tăng so với cùng kỳ cao hơn. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,76 tỷ USD, tăng khá cao (12,5%) và tiếp tục tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 66,9%). Vốn thực hiện đạt 14,5 tỷ USD, đạt kỷ lục từ trước tới nay, tăng cao (17,4%).

Bình quân năm nay so với năm trước, giá nhập khẩu một số mặt hàng giảm (như lúa mì, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, giấy các loại, bông, sợi, sắt thép, kim loại thường khác...). Cũng nhờ giá nhập khẩu giảm đã tạo điều kiện để giảm chi phí sản xuất đầu vào, cũng là thời cơ để tăng lượng nhập khẩu, vừa tranh thủ khi giá nhập khẩu giảm, vừa đón cơ hội phục hồi tăng trưởng.

Ở đầu ra, công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tiêu thụ tăng khá; chỉ số tồn kho tiếp tục tăng chậm lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng(TMBL) năm nay, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tăng 8,4%, cao nhất trong 4 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1%...

Tuy nhiên, cần lưu ý, đây mới chỉ là tín hiệu, nhất là khi tới đây, hàng loạt cam kết mở cửa, hội nhập bắt đầu được thực thi. Như vậy, năng lực cạnh tranh vẫn đang là thách thức lớn nhất.

Tin bài liên quan