Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Sau đại dịch, các chính sách phục hồi và điều hành kinh tế sẽ không như trước đây

(ĐTCK) “Sau khi đại dịch đi qua, có lẽ, các chính sách phục hồi và điều hành kinh tế sẽ không như trước đây”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ tại hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19”, được tổ chức sáng nay (20/5) tại TP.HCM.

Theo ông Phương, sẽ không có một chính sách duy nhất để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay mà phải có sự tổng hòa từ tất cả chính sách để đi đến kết quả tốt nhất.

Đánh giá về bối cảnh dịch Covid-19, trong phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có một yếu tố hết sức quan trọng, đó là mọi chính sách kinh tế đều trông chờ vào diễn biến dịch. Do đó, tất cả các kế hoạch do Bộ đưa ra đều mang tính chất dự báo.

Ông Phương cũng chia sẻ những lo ngại về 2 khả năng. Khả năng thứ nhất, nếu dịch bùng phát trở lại.

“Trong các chính sách do Bộ kiến nghị đều ưu tiên phòng chống dịch bệnh lên trước các chính sách kinh tế. Bởi nếu không thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, thì chính sách đều đổ bể và gặp nhiều rủi ro hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.

Khả năng thứ hai, khi không có vắc-xin thì tất cả đều phải sống chung với dịch bệnh như HIV. Trong bối cảnh hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều áp dụng hàng loạt chính sách phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại…, theo ông Phương, quốc gia nào kiểm soát dịch nhanh, tốt nhất sẽ có cơ hội phục hồi kinh tế tốt hơn các quốc gia khác và khả năng tái khởi động kinh doanh của doanh nghiệp cũng tương tự.

Việt Nam hiện kiểm soát dịch tương đối tốt trong nội địa, tuy nhiên với nước ngoài, vẫn phải rất cẩn trọng, kiên định trong các chính sách phòng chống. Bởi chỉ cần mở một chuyến bay không kiểm soát từ quốc tế vào nội địa, khả năng phải áp dụng chính sách tiếp tục cách ly, phong tỏa, hạn chế đi lại… kéo theo sự đình trệ trong nền kinh tế.

Cần phải tính đến các chính sách chưa từng có trong tiền lệ vì dịch Covid là cuộc khủng hoảng lạ lùng nhất, khác hẳn các cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế trước đây, nên cần có những chính sách chưa từng có để phù hợp với bối cảnh hiện tại.

“Sẽ không có một chính sách duy nhất để phục hồi kinh tế trong bối cảnh hiện nay, mà phải có sự tổng hòa. Mỗi chính sách kiến nghị phải hiểu rằng vấn đề đó thuộc thẩm quyền nào có thể quyết định”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho biết, sắp tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành trình Chính phủ một nghị quyết nữa với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sâu hơn, nặng hơn, thẩm quyền cao hơn, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như tập trung vào các giải pháp đầu tư công.

Tin bài liên quan