Khó có khả năng tăng giá phân đạm trên thị trường

Khó có khả năng tăng giá phân đạm trên thị trường

Sản xuất phân đạm từ khí: Tác động bởi chi phí đầu vào tăng

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,  từ ngày 1/4/2014, giá khí bán cho sản xuất phân đạm áp dụng theo giá thị trường, tức là tăng mạnh so với trước đó. Như vậy, chi phí đầu vào cho sản xuất phân đạm tăng đáng kể.

Văn bản số 2175/VPCP-KTTH được Văn phòng Chính phủ phát hành nêu rõ, giá khí mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bán cho Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) để bán lại cho Tổng công ty Phân đạm và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) theo giá thị trường kể từ ngày 1/4/2014. Giá khí này được tính là mức giá ở miệng giếng được xác định bằng 46% giá dầu FO trung bình hàng tháng tại thị trường Singapore (theo Tạp chí Platt’s).

Với công thức tính này, giá khí đầu vào cho sản xuất đạm tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ của PVFCCo và tại Nhà máy Đạm Cà Mau của PVN sẽ có mức tăng đáng kể so với giá khí đầu vào tính đến thời điểm ngày 31/3/2014.

Năm 2012, giá khí cho sản xuất phân đạm của Đạm Phú Mỹ đã tăng mạnh, từ mức 3,62 USD/triệu BTU lên 6,43 USD triệu BTU (với nguồn khí Cửu Long) và từ 3,91 USD/triệu BTU lên 6,43 USD/triệu BTU (với nguồn khí Nam Côn Sơn). Trong năm 2013, giá khí cho sản xuất đạm Phú Mỹ tiếp tục tăng thêm 2%.

Giá khí của Đạm Cà Mau cũng được áp dụng tương đương, bởi hai đơn vị này cùng sản xuất phân đạm từ cùng nguồn khí đầu vào. Với giá khí mới, lợi nhuận từ sản xuất của hai nhà máy đạm trên chắc chắn sẽ thấp hơn so với giai đoạn giá khí thấp.

Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của PVFCCO đạt là 2.217 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2011. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của PVFCCo là 2.142 tỷ đồng, giảm so với năm 2013. Năm 2014, với mức tính giá khí là khoảng 6,69 USD/triệu BTU, PVFCCo  chỉ dám đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.219 tỷ đồng. Bởi vậy, khi mức giá khí áp dụng cho sản xuất phân đạm (được tính theo công thức bằng 46% giá dầu FO tại thị trường Singapore) có thể lên tới 8,5 - 9 USD/triệu BTU, thì những con số lợi nhuận dự báo cũng sẽ chịu những tác động nhất định. 

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2013 của Nhà máy Đạm Cà Mau là 580 tỷ đồng.

Được biết, công thức tính giá khí đầu vào cho sản xuất đạm bằng 46% giá dầu FO tại thị trường Singapore này xuất phát từ việc Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 có nguồn khí đầu vào được khai thác từ khu vực PM3, thuộc vùng chồng lấn với Malaysia. Vì vậy, tháng 4/2012, khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động và sử dụng cùng nguồn khí PM3 đầu vào, thì chuyện áp giá khí theo công thức 46% giá dầu FO phục vụ cho sản xuất điện cũng được áp cho sản xuất đạm. Tuy nhiên, năm 2012, khi điều chỉnh một bước giá khí cho Đạm Phú Mỹ (tăng lên 6,43 USD/triệu BTU), PVN cũng đã thu thêm được khoản tiền hơn 1.500 tỷ đồng. Số tiền này cũng đã được bù một phần cho Nhà máy Đạm Cà Mau để kéo giá khí đầu vào của Nhà máy xuống. Phần còn lại (hơn 800 tỷ đồng) vẫn được PVN giữ hộ cho ngân sách.

Văn bản 2175/VPCP-KTTH cũng nhấn mạnh, đối với khoản chênh lệch bán khí cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ năm 2013 và năm 2014 sẽ được xử lý theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Hiện tại, năng lực sản xuất phân urê tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn cung vượt cầu. Với nhu cầu sử dụng phân urê tại Việt Nam chỉ khoảng 2,2 triệu tấn/năm và chuyện nhập khẩu phân urê ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn, nên khả năng tăng giá phân bón là không dễ.

Tin bài liên quan