Sẵn sàng cho 4.0

Sẵn sàng cho 4.0

(ĐTCK) Việt Nam đã sẵn sàng cho 4.0 hay chưa? Tiến sỹ Lê Viết Quốc, đang làm việc cho Google đã đặt câu hỏi như vậy và cũng tự trả lời rằng, có lẽ chưa thực sự lắm.

Chàng tiến sỹ trẻ dẫn chứng, thời điểm anh đến Trung Quốc, Ðại học Hàng Hoa đã ở trong TOP 10 trường đại học kỹ thuật tốt nhất thế giới, còn Ðại học Bách Khoa Hà Nội hay TP.HCM không biết xếp thứ hạng bao nhiêu.

Tiềm năng của Việt Nam rất tốt, nhưng đa phần các nghiên cứu chính xuất hiện ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Anh...

“Tôi để ý trên các tạp chí về trí tuệ nhân tạo, chưa có bài báo nào đến từ Việt Nam, trong khi bài đến từ Trung Quốc thì rất nhiều”, Lê Viết Quốc trải lòng.

Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ, nếu không có nhu cầu tự nhiên, không có môi trường, thì nói hay đến đâu, các tài năng thực sự cũng không thể phát triển.

Rất kỳ vọng vào một sự chuyển đổi mạnh mẽ, dứt khoát, từ tư duy đổi mới biến thành hành động, những chuyên gia công nghệ có đầu óc quản lý như ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup lại đề xuất một từ tâm đắc là “đến cùng”.

Nếu nói rằng, nếu cứ hô hào thật nhiều nhưng không làm, không đi đến cùng, thì không những không được gì, mà còn chịu tác động ngược. Bởi thế, ông mong mọi người học đến cùng, chuyển biến đến cùng và cùng hành động để Việt Nam sớm bước lên "con tàu 4.0".

Nghiên cứu sơ bộ của Công ty Tư vấn BCG cho thấy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8-18 tỷ USD mỗi năm, là động lực để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải cách hiện nay mà Chính phủ đang thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chìa khóa, là thời cơ, là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và bắt kịp các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do cuộc cách mạng đem lại.

Ngược lại, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách.

Chúng ta không chỉ tiếp nhận, tận dụng cơ hội, mà còn phải tạo ra cơ hội mới, với tư duy và phương châm hành động là “bây giờ hoặc không bao giờ”.

Ở phía các doanh nghiệp, đang có những bài toán cần giải đáp, những đơn đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ kết hợp với giới chuyên gia khoa học công nghệ để cùng cho ra được các sản phẩm, dịch vụ xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.

Nhưng nếu chỉ có tinh thần doanh nghiệp thôi chưa đủ. Họ đang cần những chính sách, sự thay đổi thể chế thật kịp thời để nhanh chóng bắt kịp xu thế thời đại, để không đơn độc trên hành trình nắm bắt “cơ hội ngàn năm có một” đang mở ra những cánh cửa với thị trường 4.0 bao la.

Tin bài liên quan