Rà soát tổng thể dự án ODA

Sau 20 năm, thực trạng của nền kinh tế đã có rất nhiều thay đổi, vì thế, để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, cần phải có cách tiếp cận mới và những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

ODA là nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

ODA là nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

80 tỷ USD vốn ODA trong 20 năm

Theo báo cáo đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam” diễn ra cuối tuần trước, tính đến tháng 12/2012, đã có 20 Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (gọi tắt là Hội nghị CG thường niên) được tổ chức. Từ năm 2013, quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam.

Cho tới nay, đa số các nhà tài trợ đều đánh giá, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng tốt nguồn vốn ODA. Khoảng 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, qua 20 năm sử dụng nguồn vốn ODA, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đó là sự phát triển ổn định về kinh tế, nâng cao sản xuất trong nước, thúc đẩy thương mại kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc sử dụng tốt vốn vay đó, Việt Nam cũng gặp phải những vấn đề dẫn đến thiếu hiệu quả.

“Qua 20 năm nhận được sự hỗ trợ, Chính phủ nhận thấy còn nhiều hạn chế nội tại, hấp thụ nguồn vốn ODA còn hạn chế, tiến độ giải ngân chậm. Điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA còn thấp, ngoài ra, năng lực quản lý các chương trình dự án còn chưa theo kịp nhu cầu”, Phó thủ tướng nhận định và cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc xử lý, rà soát lại một cách tổng thể, nhằm quản lý và sử dụng tốt hơn nguồn vốn ODA, tránh gây thất thoát, lãng phí.

Cẩn trọng khi vay vốn ODA

Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong sử dụng vốn vay ODA, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế trung ương cho rằng, Việt Nam đang thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn vốn.

“Trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Do các dự án thiếu tính cạnh tranh, nên chi phíđầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao, nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập”, ông Vương Đình Huệ nhận định.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nhìn lại thực tiễn tiếp nhận quản lý và sử dụng ODA, Việt Nam đã thu được nhiều kinh nghiệm và bài học có giá trị về quan hệ đối tác, vai trò làm chủ các mục tiêu phát triển của quốc gia, bài học về đảm bảo đủ và đúng tiến độ nguồn lực đối ứng. Ngoài ra còn có bài học về năng lực con người nắm chắc chủ trương, chính sách và những ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành, địa phương; nhận thức đầy đủ về bản chất của ODA, quản lý và sử dụng viện trợ là sự đảm bảo vững chắc để đạt được các mục tiêu của chương trình.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, ODA đang tạo áp lực làm gia tăng nợ công của Việt Nam. Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM cho rằng, bất ổn nợ công không phải bắt nguồn từ ODA, mà từ vốn vay ngắn hạn trong nước.

“Trước nguy cơ này, Quốc hội cần ra nghị quyết đề nghị Chính phủ cơ cấu lại trái phiếu ngắn hạn lên dài hạn để giảm áp lực nợ công. Về những rủi ro khi sử dụng ODA, Việt Nam là nước chú trọng vào xuất khẩu, vì thế xu hướng của chúng ta là không để VND tăng giá để khuyến khích nhập khẩu, điều này sẽ tạo ra rủi ro về tỷ giá. Khi đồng yên lên giá, nợ bằng đồng nội tệ sẽ tăng khủng khiếp”, ông Lịch nói.

Ngoài ra, ông Lịch còn khuyến cáo, nếu đầu tư bằng “tiền trong túi Chính phủ” thì chắc chắn rẻ hơn, thế nên, Việt Nam cần phải cân đối lại việc sử dụng ODA và lường trước những khó khăn sắp tới. Chính phủ cần xem ODA như là vốn bù và cần phải cân đối lại nguồn vốn trong nước, gắn ODA với việc phát triển thị trường vốn dài hạn trong nước. “Đây là bước đi chiến lược và cần phải chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vốn ODA như kiểu ban phát, chia nhau, vì đó là cái họa lâu dài”, ông Lịch đề nghị.

Tin bài liên quan