Một số dự án mới dự kiến đi vào sản xuất nửa cuối năm 2017 góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp

Một số dự án mới dự kiến đi vào sản xuất nửa cuối năm 2017 góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp

Rà soát các nguồn lực, thúc tăng trưởng nửa cuối năm

(ĐTCK) Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính, để đảm bảo đạt được mức tăng trưởng kinh tế mục tiêu 6,7% cho cả năm 2017, mức tăng trưởng quý II phải đạt 6,26%, quý III 7,29% và quý IV 7,49%. 

Để thực hiện được kịch bản này, các phương án và giải pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát và báo cáo, đồng thời đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngành và từng khu vực cụ thể.

Theo kịch bản kể trên, tốc độ tăng trưởng cụ thể các lĩnh vực trọng yếu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra bao gồm: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,04%, xấp xỉ mức 3,05% được nêu tại Nghị quyết 40/NQ-CP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%, trong đó riêng công nghiệp là 7,34%, thấp hơn so với mức 8% được đặt ra tại Nghị quyết 40; khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,34%.

Riêng đối với ngành công nghiệp, để tốc độ tăng trưởng ngành đạt 7,34% theo kịch bản này, theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực công nghiệp và xây dựng cần đạt 7,91%, trong đó tính cả 3 quý đầu năm cần đạt tối thiểu 7,26%. Các khu vực công nghiệp trong các quý còn lại cần đạt tối thiểu 6,83%.

Tuy nhiên, do công nghiệp khai khoáng năm nay luôn rơi vào tình trạng tăng trưởng âm nên ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như sản xuất và phân phối điện, cùng một số ngành chủ chốt khác cần tăng tối thiểu trên 11,5% để bù đắp cho mức thâm hụt của công nghiệp khai khoáng. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo theo tính toán cần đạt mức tăng trưởng cả năm là 13%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện 11,5%.

Kết quả rà soát, đánh giá mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng tăng trưởng từng ngành, từng sản phẩm công nghiệp để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu theo kịch bản trên cho thấy, khả năng và dư địa các nguồn lực trong các lĩnh vực công nghiệp là tương đối lớn, có thể đạt được mục tiêu song cần phải có các phương án chỉ đạo quyết liệt của các bộ ngành và địa phương, cũng như nỗ lực tối đa của các khu vực doanh nghiệp.

Cụ thể, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2017 sẽ tăng khoảng 12 - 12,5% và giá trị gia tăng của nhóm tăng khoảng 11,7% so với năm 2016.

Kết quả rà soát cho thấy, có 24 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng sản lượng tốt và trung bình ở mức 8%, trong đó có những mặt hàng chủ chốt như sắt thép thô, thép cán, điện thoại di động, ô tô, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc nhân tạo, giày dép da…

Bên cạnh đó, một số dự án mới dự kiến đi vào sản xuất thuộc ngành chế biến chế tạo trong 6 tháng cuối năm 2017 cũng góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, bao gồm dự án tôn mạ màu với công suất 400.000 tấn/năm của Tập đoàn Hòa Phát, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2017; dự án thép cán dài công suất 350 nghìn tấn/năm của Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức; dự án gang thép Formosa đóng góp khoảng 1 - 1,3 triệu tấn năm 2017.

Đối với ngành hóa chất phân bón có dự án nhà máy sản xuất phân bón NPK công suất 360 nghìn tấn/năm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phân bón Hàn Việt, dự kiến hoàn thành tháng 9/2017; dự án nhà máy sản xuất phân bón NPK 100 nghìn tấn/năm của Công ty phân bón Bình Điền II dự kiến hoàn thành tháng 7/2017. Ngành dầu khí cũng nỗ lực hoàn thiện và đưa vào sản xuất nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong quý IV/2017.

Đối với nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, theo dự tính, trong 6 tháng cuối năm, Tập đoàn điện lực Việt Nam cần tiếp tục đưa vào vận hành đúng tiến độ 5 tổ máy, tăng năng lực hệ thống thêm 1.075MW để đảm bảo cả năm 2017 đưa vào phát điện 1.635MW theo kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Đối với nhóm ngành khai khoáng, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành khai khoáng chỉ đạt 92,9% so với năm 2016 và giá trị gia tăng của ngành bằng khoảng 92% so với năm 2016.

Về khai thác dầu khí, mặc dù dự báo 6 tháng cuối năm còn tiềm ẩn một số rủi ro do tác động của giá dầu, tuy nhiên, ngành dầu khí cần phấn đấu hoàn thành kế hoạch khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô và 1 tỷ m3 khí, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bổ sung được Thủ tướng Chính phủ giao. Ngành than cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu sản lượng than sạch sản xuất khoảng 41,43 triệu tấn, tăng 7,6% so với năm 2016. 

Theo dự kiến thực hiện đầu tư năm 2017 của một số tập đoàn/tổng công ty, tổng khối lượng thực hiện vốn đầu tư của 9 tập đoàn/tổng công ty năm 2017 ước khoảng 233.890 tỷ đồng, chỉ bằng 93,97% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2016, trong khi 6 tháng đầu năm nay mới thực hiện được 92,798 tỷ đồng.

Để đạt được mức tăng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị các tập đoàn và tổng công ty cần tăng cường công tác giám sát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn kịp thời cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công, đồng thời triển khai nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.

Tin bài liên quan