Quý II, GDP dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao dù khai khoáng sụt giảm

Trong 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng công nghiệp khai khoáng sụt giảm 2,2%. Mặc dù vậy, ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vẫn tin rằng, tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2017.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào vốn, thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên. Thưa ông, công nghiệp khai khoáng 5 tháng đầu năm giảm 2,2% chắc chắn ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP?

Ngành nào, lĩnh vực nào tăng trưởng âm cũng kéo lùi tốc độ tăng trưởng GDP chung, chứ không riêng gì công nghiệp khai khoáng. Nếu như trước đây, công nghiệp khai khoáng có ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ tăng trưởng GDP chung, thì từ năm 2016 trở lại đây, tác động của ngành khai khoáng vào tốc độ tăng trưởng chung không nhiều và ngày càng giảm.

Quý II, GDP dự kiến tiếp tục tăng trưởng cao dù khai khoáng sụt giảm ảnh 1

 Ông Trần Quang Chiểu, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Cụ thể, năm 2016, ngành khai khoáng giảm 4%, đồng thời giảm lượng khai thác dầu thô hơn 1,67 triệu tấn so với năm 2015, cũng chỉ làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung (6,21%).

Sang năm 2017, ngành khai khoáng giảm 7,1% - mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011, nhưng chỉ làm giảm 0,54 điểm phần trăm mức tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế (6,81%). Còn trong 5 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp khai khoáng chỉ giảm 2,2%, thì ảnh hưởng của ngành này trong bức tranh tăng trưởng GDP nói chung không nhiều.

Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm nay vẫn cao hơn cùng kỳ.

Tăng trưởng GDP quý III, quý IV thì sao, thưa ông?

Tốc độ tăng trưởng GDP từng quý của năm 2017 tương ứng là 5,15%; 6,36%; 7,38% và 7,65%. Còn năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của từng quý đã có dự báo tăng tương ứng là 7,38%; 6,83%; 6,61% và 6,25%.

Tức là, tốc độ tăng trưởng từng quý năm nay sẽ “phá vỡ quy luật” là quý sau cao hơn quý trước.

Theo tôi, dự báo chỉ là dự báo, ví dụ như năm nào cũng đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8%, nhưng thực tế thì đều đạt 2 con số, đặc biệt là năm 2017, Nghị quyết của Quốc hội chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6-7%, thậm chí tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 10/2017, Chính phủ cũng chỉ dự báo xuất khẩu tăng trưởng 14,4%, nhưng thực tế thì tăng 21,2%. 

Tương tự, mục tiêu đặt ra nhập siêu 3,5%, cuối năm, Chính phủ vẫn ước nhập siêu 1,5%, nhưng cuối cùng lại xuất siêu 1,4%. 

Với diễn biến của nền kinh tế 5 tháng đầu năm, tôi cho rằng, khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay hoàn toàn có thể.

Kinh tế tăng trưởng, nhưng rõ ràng vẫn phụ thuộc vào thâm dụng vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ?

Về tài nguyên, như tôi đã nói, công nghiệp khai khoáng mấy năm nay tăng trưởng âm đã kéo lùi mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, nên không thể nói tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên như trước đây được nữa.

Giả sử tranh thủ lúc giá xăng dầu tăng, Việt Nam tăng khai thác dầu thô thì chỉ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho người lao động làm việc trong ngành dầu khí và ngành dịch vụ dầu khí, chứ đóng góp không đáng bao nhiêu vào mức tăng trưởng chung của GDP. 

Còn về vốn thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 38,4% GDP trong giai đoạn 2007-2011 xuống còn 31,9% GDP trong giai đoạn 2012-2017, tức là tốc độ tăng trưởng kinh tế không quá phụ thuộc vào vốn.

Trong khi đó, lương tối thiểu vùng được tăng liên tục bình quân mỗi năm 7-9%, nên tăng trưởng kinh tế ngày càng giảm phụ thuộc vào yếu tố lao động giá rẻ.

Nhìn chung, nền kinh tế đang chuyển hướng tích cực, chuyển dần từ việc tăng trưởng phụ thuộc vào số lượng (thâm dụng vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ) sang chất lượng.

Điều này minh chứng rõ nhất là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao, chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tất nhiên, để chuyển đổi nền kinh tế từ tăng trưởng phụ thuộc vào số lượng sang chất lượng không phải “ngày một, ngày hai”, cứ quyết tâm là làm được, mà phải có quá trình, ít nhất cũng phải 5-10 năm, không được quá nôn nóng.

Tăng trưởng kinh tế làm sao khi hết giải cứu dưa hấu, hành tím, thịt lợn, củ cải… đến giải cứu cả ớt, thưa ông?

Lĩnh vực nông, lâm và thủy sản đóng góp vào GDP ngày càng giảm, năm 2017 chỉ còn chiếm tỷ trọng 15,34% thay vì 16,32% của năm 2016, tuy nhiên, lĩnh vực này đang thu hút 38,6% lực lượng lao động với khoảng gần 21 triệu người.

Vì vậy, một nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển như Việt Nam, chất lượng tăng trưởng không chỉ quan tâm đến công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại, ngân hàng, tài chính chế biến, chế tạo…, mà phải đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Đúng là khó chấp nhận một nền kinh tế tăng trưởng bền vững mà liên tục phải giải cứu hàng nông sản, xuất khẩu chủ yếu hàng nông sản tươi, không có thương hiệu…

Để bảo đảm cho nền nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có chủ trương liên kết 3 nhà, gần đây nói tới liên kết 5 nhà (gồm Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, nhà băng và nhà khoa học).

Theo tôi, chỉ cần “2 nhà” liên kết chặt chẽ với nhau là đủ. Đó là Nhà nước phải có dự báo chính xác về thị trường nông sản; có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất nông sản hàng hoá, sản xuất lớn…

Khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thông qua hỗ trợ vốn vay, đất đai, xây dựng thương hiệu. 

Một khi được hỗ trợ, người dân sẽ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp thì các “nhà” khác sẽ tự động liên kết như nhà băng sẽ tìm đến lĩnh vực nông nghiệp để cho vay.

Doanh nghiệp sẽ tìm đến nhà sản xuất tìm nguồn hàng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Nhà khoa học cũng sẽ tự tìm tòi, nghiên cứu cây con giống, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

Tin bài liên quan