Tình trạng đội vốn đầu tư và kém hiệu quả tại không ít 
dự án tiếp tục làm cho nợ công có xu hướng tăng nhanh

Tình trạng đội vốn đầu tư và kém hiệu quả tại không ít dự án tiếp tục làm cho nợ công có xu hướng tăng nhanh

Quốc hội “để mắt” tới các dự án đội vốn lớn

(ĐTCK) Trong số 4 chuyên đề được đưa ra Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định giám sát, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị trong năm 2018, Quốc hội cần giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội.

Không ít hạn chế

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những kết quả tích cực, đang bộc lộ không ít hạn chế. Điều này thể hiện qua hiệu quả sử dụng vốn vay chưa cao.

Một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của chính phủ, dự án được chính phủ bảo lãnh khó khăn trong trả nợ; một số dự án sử dụng vốn vay điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, kéo dài thời gian thi công, chưa đưa vào khai thác như: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng tổng mức đầu tư từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 sau khi tăng tổng mức đầu tư từ 11.464 tỷ đồng lên 22.259 tỷ đồng còn kiến nghị tăng lên 26.051 tỷ đồng; Dự án Nhiệt điện Ô Môn 1 sau khi điều chỉnh tăng từ 8.267 tỷ đồng lên 11.538 tỷ đồng, còn điều chỉnh tăng lên 16.988 tỷ đồng...

Đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay ODA gặp khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức khá cao như một số dự án thuộc ngành xi măng, giao thông, công nghiệp tàu thủy, giấy, thép, hóa chất.

Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chuyển từ vốn vay sang vốn ngân sách nhà nước cấp, chuyển thành nợ chính phủ 55,4 nghìn tỷ đồng. Hay Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới là 63,2 nghìn tỷ đồng, tác động trực tiếp tới các chỉ tiêu giới hạn nợ công.

Một số dự án vay vốn với điều kiện vay bị ràng buộc, chi phối bởi phía cho vay trong việc lựa chọn nhà thầu xây dựng, cung cấp nguyên, vật liệu, thiết bị, vật tư,... dẫn tới chi phí thực hiện dự án cao, hiệu quả thấp...

Tình trạng đội vốn đầu tư và kém hiệu quả tại không ít dự án, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục làm cho nợ công có xu hướng tăng nhanh cả về quy mô và tốc độ. Các chỉ số về nợ công tiềm ẩn nguy cơ tiệm cận hoặc vượt ngưỡng cho phép nếu tính cả các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước, các khoản nợ có khả năng chuyển đổi thành nợ công, có nguy cơ ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công, tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Chưa kể, vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất cao, thời gian trả nợ ngắn nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án có thời gian thu hồi vốn dài. Khả năng cân đối nguồn để trả nợ khó khăn, vay đảo nợ tăng nhanh với khối lượng lớn trong nhiều năm...

Từ thực tế trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc Quốc hội giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, với phạm vi giám sát từ ngày 1/1/2010 - 31/12/2016 là cần thiết, để khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trên. Qua đó đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt trong bối cảnh các chỉ số nợ công đang tiệm cận với mức trần như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội ủng hộ giám sát

Đề xuất tiến hành giám sát chuyên đề trên của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu. Sở dĩ cần giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, theo đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu), là bởi thực tế những năm qua, việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA còn bộc lộ những tồn tại nhất định. Do đó cần có giải pháp trong thời gian tới nhằm đạt được hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư những năm tiếp theo.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, cần triển khai giám sát chuyên đề trên vì sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập mà báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu. Qua đó góp phần đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

“Tôi đồng tình với các nội dung về sự cần thiết giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo tổng hợp, có 53 ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ đã đề nghị Quốc hội đưa vào giám sát nội dung này”, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nói.   

Tin bài liên quan