Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thảo luận tại tổ sáng nay (24/10).

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thảo luận tại tổ sáng nay (24/10).

Quốc hội chưa yên tâm với “chất” tăng trưởng kinh tế

(ĐTCK) Nhiều đại biểu Quốc hội tin tưởng năm nay tăng trưởng GDP sẽ đạt kế hoạch đề ra là 6,7% như báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, không ít ý kiến thể hiện chưa yên tâm về chiều sâu, chất lượng tăng trưởng.

GDP tăng 6,7% trong tầm tay

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 24/10, các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch năm 2018…

Với kết quả tăng trưởng GDP tính đến hết tháng 9/2017, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng năm nay tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,7%. Điều này là kết quả của sự nỗ lực, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, cũng như hệ thống chính trị, cơ quan quản lý các cấp.

“Theo chu kỳ, thì tăng trưởng các quý sau thường cao hơn quý trước. Trong khi đó quý III/2017 tăng khá cao là 7,46%, nên nhiều khả năng quý IV này sẽ tăng cao hơn mức này. Do đó, năm nay GDP tăng trưởng 6,7% như kế hoạch là trong tầm tay…”, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhìn nhận.

Dẫu vậy, vẫn có những cái nhìn thận trọng về khả năng đạt được kế hoạch GDP đề ra cho năm nay.

“GDP năm 2017 ước thực hiện đạt 6,7% với điều kiện tăng trưởng quý IV đạt mức 7,4%-7,5%. Nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo không còn nhiều dư địa để gia tăng. Bên cạnh đó, tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phụ thuộc vào thời tiết…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, khi trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018.

Nâng “chất” tăng trưởng, cách nào?

Nói như vậy để thấy, muốn đạt kế hoạch tăng trưởng GDP năm nay về lượng vẫn còn không ít thách thức. Tuy nhiên, điều nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm hơn cả là chất lượng tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, nên để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bền vững trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, mặc dù kết quả tăng trưởng kinh tế đạt được là khá tích cực, nhưng việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm; việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu còn hạn chế; chất lượng đầu tư công chưa cao...

Chất lượng tăng trưởng cũng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân (GNI- chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia) ngày càng giảm, tăng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tính bền vững; tăng trưởng của năng suất lao động chủ yếu dựa vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ...

“Các yếu tố có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đang có những trục trặc. Đó là tăng trưởng xuất khẩu quá phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sức cầu của thị trường nội địa chưa tăng trưởng bền vững…”, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) nói.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt cải cách đầu tư công theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả, khắc phục tình trạng giải ngân nguồn vốn đầu tư công chậm như hiện nay.

“Hiện có quá nhiều loại quỹ để ngoài ngân sách, dẫn đến khó kiểm soát, dễ phát sinh tiêu cực, trong khi thiếu các nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Do đó, Chính phủ cần rà soát để xem xét xóa sổ các quỹ đang tồn tại bất hợp lý, để có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, tránh đi vay quá nhiều làm cho bội chi ngân sách và nợ công tăng cao…”, ông Chiểu đề nghị.

Tin bài liên quan