Các ý tưởng thiết kế hầm Cửa Lục được đơn vị tư vấn, thiết kế đặt ra với tỉnh Quảng Ninh.

Các ý tưởng thiết kế hầm Cửa Lục được đơn vị tư vấn, thiết kế đặt ra với tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh bác thông tin dừng dự án Hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục

Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ông Hợp cho biết  tại Hội nghị Giao ban Báo chí tháng 12/2019 chiều ngày 4/12, gần đây, có nhiều thông tin cho rằng, tỉnh Quảng Ninh thực hiện dự án Cầu Cửa Lục 1-2-3 rồi thì sẽ không thực hiện dự án Hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục nữa.

“Tại Hội nghị này, tôi xin khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không chính xác”, ông Hợp nhấn mạnh.

Trước mắt cầu cửa Lục 1-3 được khởi công trong năm 2020 là phục vụ cho việc mở rộng không gian đô thị Hạ Long sau khi thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long.

Còn dự án Hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục ý nghĩa rất lớn đối với Quảng Ninh, không chỉ để đảm bảo an toàn giao thông mỗi mùa mưa bão, giảm tải cho cầu Bãi Cháy, mà còn có giá trị lớn đối với việc xây dựng thương hiệu điểm đến Hạ Long, Quảng Ninh và đóng góp cho sự phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Ý tưởng về công trình hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục đã có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh đến năm 2020 và được xếp hạng là công trình cấp đặc biệt, ưu tiên thực hiện. Tháng 5/2018, Quảng Ninh đã quyết định thành lập Ban Quản lý Dự án Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục và liên tiếp tổ chức các buổi tiếp xúc, nghe đơn vị tư vấn trong và ngoài nước trình bày ý tưởng thiết kế.

Ông Hợp chia sẻ: “Đây là công trình cấp đặc biệt của tỉnh, hơn nữa lại được thực hiện trên nền địa chất đặc biệt bất ổn nên các phương án thiết kế cần được lựa chọn kỹ lưỡng và có sự đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học để lựa chọn được phương án tối ưu nhất, đảm bảo sự an toàn. Do đó, không thể có tâm lý nóng vội trong việc triển khai mà cần phải rất cẩn trọng”.

Được biết, hiện đang có 3 đơn vị tư vấn thiết kế trình bày ý tưởng đầu tư hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục gồm: Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty CP FECON và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải. Đã có một số phương án thi công được đưa ra như hầm khoan TBM, hay hầm dìm. Tuy nhiên, vị trí thi công hầm Cửa Lục lại tương đối phức tạp do là cửa sông, nước chảy xiết, điều kiện tự nhiên có hang caster. Đồng thời, đây lại là luồng giao thông hàng hải của một số cảng, vì thế, các phương án thiết kế, công tác tổ chức thi công phải được tính toán thêm và kỹ lưỡng hơn. Vậy nên, thời gian dự kiến khởi công công trình này trong năm 2019 chắc chắn sẽ phải lùi lại.  

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Quảng Ninh diễn ra đầu tháng 7/2019, ông Hợp cũng đã thông tin rằng, Quảng Ninh sẽ không phụ thuộc vào nguồn vốn từ Trung Ương, mà sẽ tự cân đối nguồn ngân sách địa phương mỗi năm 2.000 tỉ đồng để xây dựng công trình trị giá trên 9.780 tỉ đồng này.

Theo thiết kế, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750m, trong đó, chiều dài hầm khoảng 2.140m. Hầm nằm dưới đáy sông cách mặt nước không quá 17m( hầm Thủ Thiêm là 24 m). Tốc độ xe lưu thông trong hầm có thể đạt 60 km/giờ, hầm có thể chịu được động đất 6 độ Richter.

Vị trí xuống đường hầm ở khu vực Bãi Cháy nằm ở đoạn cuối công viên Sun World Hạ Long và phía bên Hòn Gai dự kiến tại đường bao biển khu đô thị Vinhomes.

Tin bài liên quan