Quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng

Theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, mục tiêu tăng trưởng năm 2016 từ 6,5 - 7% là phù hợp, nhưng quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng. Cần phải làm rõ, để làm ra một đồng GDP, chúng ta phải tiêu hao những gì.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM

Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2015? Theo ông, nền kinh tế đang mạnh lên hay yếu đi?

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Báo cáo này đã bám sát, dựa trên các chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.

Tôi cho rằng, tổng thể nền kinh tế mạnh lên, dù từng bộ phận có thể yếu đi. Nếu lấy thời điểm này so với 5 năm trước, thì kinh tế đã tốt lên nhiều. Từ năm 2011 đến nay, nền kinh tế đã phục hồi ổn định, liên tục qua từng năm.

Dự kiến, GDP của Việt Nam năm 2016 tăng khoảng 6,7%. Ông có nhận xét gì về mục tiêu này?

Trước hết, phải nói rằng, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, chúng ta phải nhìn cho cả giai đoạn 2016 - 2020, vì năm 2016 là năm mở đầu, có ý nghĩa rất quan trọng cho cả giai đoạn 5 năm.

Tôi cho rằng, năm 2016, chúng ta không đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Mức đề ra từ 6,5 - 7% là phù hợp, nhưng quan trọng nhất là chất lượng tăng trưởng. Cần phải làm rõ, để làm ra một đồng GDP, chúng ta phải tiêu hao những gì, phải dành những gì cho nó…

Vậy theo ông, cần có những nhóm giải pháp gì để Việt Nam có thể đạt chất lượng tăng trưởng trong năm 2016?

Từ những điểm cần phân tích, làm rõ trong Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, tôi cho rằng, có 2 nhóm vấn đề cần được tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong năm 2016. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Để làm việc này, phải làm tốt tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó, với từng ngành, từng lĩnh vực, cần có những đánh giá kết quả cụ thể, nhìn nhận rõ là mạnh lên hay yếu đi để có những giải pháp phù hợp.

Chẳng hạn, về tái cấu trúc ngân hàng thương mại, phải đánh giá cụ thể xem các ngân hàng đã sáp nhập mạnh lên hay yếu đi. Ngân hàng nào mạnh thì cho phát huy, yếu thì tìm biện pháp hỗ trợ. Về tái cấu trúc doanh nghiệp, cần phải làm rõ tiến độ và kết quả cổ phần hóa.

Theo tôi, không chỉ là tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, cái quan trọng nhất là chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất, nâng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh… Vấn đề này liên quan đến các chính sách khác về cơ chế.

Chúng ta nhìn nhận thấy nông nghiệp quá yếu, nhất là tính cạnh tranh của từng loại sản phẩm chủ lực thấp. Do đó, phải có đánh giá cụ thể để có giải pháp. Ví dụ, về chăn nuôi, giống thế nào, chất lượng con giống ra sao…

Về sản xuất lúa, chúng ta tự hào đạt sản lượng lớn, xuất khẩu nhiều, nhưng đã có đánh giá chất lượng giống chưa... Chúng ta cần phải thay đổi tư duy, từ chỗ sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu cầu của con người chuyển sang sản xuất có giá trị gia tăng cao. Muốn vậy, phải có sự liên kết, đầu tư để tăng giá trị…

Tóm lại, theo tôi, kết quả tái cấu trúc thể hiện chất lượng tăng trưởng. Cái mà chúng ta cần trong năm 2016 là chất lượng của tăng trưởng. Nếu đạt được con số tăng trưởng mà tiêu hao quá lớn thì cũng không đạt yêu cầu.

Tin bài liên quan