Ông Vũ Quang

Ông Vũ Quang

Quản lý bằng tiêu chuẩn, điều kiện, thay vì quy hoạch

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Quy hoạch tại Phiên họp thứ 14 diễn ra vào tháng 9/2017. Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Vũ Quang Các hy vọng, Quốc hội sẽ sớm thông qua Luật Quy hoạch sau khi đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Thưa ông, Dự thảo Luật Quy hoạch được đánh giá là sẽ làm thay đổi tư duy trong công tác quy hoạch. Để đạt được sự đồng thuận cao, Dự thảo sẽ tiếp tục hoàn chỉnh thêm nội dung nào?

Trong hơn 30 năm đổi mới, đã có rất nhiều thay đổi trong tư duy phát triển, điều hành, quản lý kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một trong rất ít tư duy cố hữu đã ăn sâu, bám rễ vào tiềm thức của một số bộ, ngành trung ương cũng như địa phương là dùng quy hoạch để quản lý.

Vì vậy, trong hơn 30 năm qua, rất nhiều cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, ban hành theo tư duy đổi mới, nhưng phương pháp lập quy hoạch vẫn không hề đổi mới.

Luật Quy hoạch thay đổi hẳn tư duy trong công tác lập, tổ chức, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch, động chạm tới tất cả các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương, nên cần phải nhận được sự đồng thuận ở mức cao nhất của tất cả các bộ, ngành, địa phương và đại biểu Quốc hội.

Trước khi dự kiến trình Quốc hội thông qua, mặc dù Dự thảo Luật Quy hoạch nhận được đa số ý kiến đồng thuận, nhưng vẫn còn một số ý kiến băn khoăn ở một vài nội dung, nên Quốc hội yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Ban soạn thảo gặp khó khăn gì lớn trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo?

Thuyết phục các bộ, ngành đồng ý với tất cả các nội dung của Dự thảo Luật Quy hoạch là sức ép vô cùng lớn. Vì vậy, trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo phải làm việc trực tiếp với 12 bộ, ngành để nghe phản hồi, giải trình, tiếp thu.

Nhiều bộ cho biết, lần đầu tiên được làm việc, thảo luận, đóng góp ý kiến, đưa ra phản biện trực tiếp với Ban soạn thảo luật. Rất mừng là, với tinh thần cầu thị, thay đổi tư duy quản lý, nên chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ rất cao của hầu hết các bộ, ngành. Có bộ, ngành trước đó dứt khoát bảo lưu quan điểm phải quy hoạch ngành nghề, lĩnh vực nào đó, nhưng sau khi làm việc với Ban soạn thảo, đã thay đổi tư duy.

Đơn cử, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từng bảo lưu quan điểm phải quy hoạch lĩnh vực dạy nghề, hệ thống trường đào tạo nghề, vì chất lượng nguồn nhân lực thấp là nút thắt của sự phát triển, cần phải có quy hoạch để quản lý nhằm tăng chất lượng đào tạo. Nhưng tại buổi thảo luận trực tiếp, chúng tôi khẳng định, không chỉ Nhà nước, mà các thành phần kinh tế khác đều được tham gia lĩnh vực đào tạo nghề.

Đào tạo nghề đang được đẩy mạnh xã hội hóa và thực tế cho thấy, nhiều cơ sở đào tạo nghề do thành phần kinh tế khác thực hiện tốt hơn so với cơ sở của Nhà nước, nên không cần thiết phải quy hoạch đào tạo nghề và trường nghề. Cuối cùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đồng ý với quan điểm của Ban soạn thảo.

Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương và hầu hết đại biểu Quốc hội đều đồng thuận bỏ quy hoạch sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn một vài lo ngại cho rằng, nếu bỏ quy hoạch sản phẩm sẽ làm mất vai trò quản lý nhà nước?

Có địa phương lập quy hoạch chăn nuôi gia súc, gia cầm, quy định rõ vùng nào nuôi loại động vật gì, nuôi bao nhiêu, lộ trình phát triển số lượng đàn gia súc, gia cầm ra sao. Lãnh đạo địa phương báo cáo thành tích, nhờ có quy hoạch, nên đã loại bỏ được… 8 dự án chăn nuôi.

Có không ít khách sạn muốn mở thêm phòng hát karaoke để phục vụ khách du lịch lưu trú, nhưng không được chấp thuận, chỉ vì khu vực mở phòng hát karaoke không có quy hoạch.

Hay một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch hệ thống quán karaoke theo kiểu quy định xã, phường, thị trấn có bao nhiêu quán, nơi nào thừa thì cắt bớt, nơi nào thiếu thì bổ sung vào quy hoạch một cách rất phi thị trường.

Hiện có hàng ngàn ví dụ về quy hoạch không sát với thực tế cuộc sống, vì tư duy cũ cho rằng, quy hoạch là quản lý nhà nước, nếu bỏ quy hoạch sản phẩm, thì mất vai trò quản lý nhà nước. Tôi khẳng định, bỏ quy hoạch sản phẩm không làm mất đi, mà thậm chí còn tăng cường vai trò quản lý nhà nước.

Quản lý bằng quy hoạch không chỉ làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước, vì có quy hoạch người dân cũng không thực hiện, mà còn hạn chế thu hút đầu tư, hạn chế quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Hàng năm, ngân sách nhà nước phải chi hàng trăm tỷ đồng để lập các loại quy hoạch khác nhau. Ông có cho rằng, khi Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực, sẽ tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ?

Giai đoạn 2001-2010, ngân sách đã phải bỏ ra 2.881 tỷ đồng để lập 3.114 quy hoạch. Giai đoạn 2011-2020, số quy hoạch phải lập theo các quy định là 12.860 bản, thì số tiền chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều, chưa tính hàng ngàn quy hoạch có thể sẽ được điều chỉnh với vô vàn lý do khác nhau.

Lãng phí trong quy hoạch không phải là về tiền, mà đó chính là hàng ngàn bản quy hoạch không bao giờ thực hiện được vì không phù hợp, vì quy hoạch chồng quy hoạch, quy hoạch này mâu thuẫn với quy hoạch khác, làm kìm hãm sự phát triển, cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Luật Quy hoạch không đề cập việc tiết kiệm trong công tác lập quy hoạch, mà nhấn mạnh tới chất lượng của các bản quy hoạch. Quy hoạch lập ra phải tận dụng tối đa, khai thác hiệu quả không gian phát triển, phát huy nguồn lực của cả xã hội.

Thực tế đã cho thấy, thay vì làm quy hoạch theo đơn giá chỉ mất 3-5 tỷ đồng, nhiều tỉnh sẵn sàng bỏ ra 50-60 tỷ đồng thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước. Kết quả là các quy hoạch này rất phù hợp, hiệu quả, khai thác tối đa nguồn lực và không phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian dài.

Tin bài liên quan