Lễ động thổ Dự án Thành phố Thông minh đã được liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua.

Lễ động thổ Dự án Thành phố Thông minh đã được liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua.

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản: Bước tiến vượt bậc và sâu rộng

Không chỉ trên khía cạnh chính trị, ngoại giao, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là về đầu tư, ngày càng có những bước tiến vượt bậc và sâu rộng.

Bước tiến mới: Làm chủ cuộc chơi

Tháng 10 này, có thể nói, đã ghi dấu những bước tiến mới trong quan hệ hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Bởi không còn ở thế đơn thuần là tiếp nhận đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động “làm chủ cuộc chơi”, lựa chọn để bắt tay hợp tác với các đối tác Nhật Bản.

Một trong số đó là “cú bắt tay tỷ USD” giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Ngày 6/10 vừa qua, liên doanh này đã động thổ Dự án Thành phố Thông minh (Đông Anh, Hà Nội), với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD.

Chi tiết phần góp vốn của 2 tập đoàn trong liên doanh không được tiết lộ, song ai cũng biết, Dự án Thành phố Thông minh được đề xuất trước tiên bởi BRG. Sau đó, Tập đoàn đã chọn Sumitomo làm đối tác để cùng phát triển Dự án. Một cuộc tìm kiếm đối tác không hề đơn giản, mà như lời bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG, là “một thách thức lớn”.

“Có Sumitomo - tập đoàn hàng đầu Nhật Bản, một trong số ít tập đoàn có kinh nghiệm triển khai mô hình thành phố thông minh thành công là một thành công sau vô vàn nỗ lực”, bà Nga đã chia sẻ như vậy.

Theo kế hoạch, Dự án Thành phố Thông minh sẽ được xây dựng với quy mô gần 272 ha, chia làm 5 giai đoạn, với hàng loạt điểm nhấn như tháp tài chính cao 108 tầng, hồ Ngọc trai tại trung tâm, công viên hội tụ những đặc trưng văn hóa nổi bật nhất của các nước ASEAN và quảng trường lớn với vai trò vừa là điểm nhấn kiến trúc, vừa là không gian mở, nơi cộng đồng có thể cùng nhau giải trí sau những giờ làm việc và là nơi tổ chức những sự kiện trọng đại của Hà Nội và cả nước…

Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh như năng lượng thông minh, giao thông thông minh, cộng đồng thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh, y tế thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên áp dụng để tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng…

Dự án cũng sẽ ứng dụng các công nghệ hiện đại vào cuộc sống như công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và công nghệ blockchain, góp phần cải thiện các dịch vụ của TP. Hà Nội.

“Ước mơ và tâm huyết của tôi là luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho Hà Nội, để Thủ đô của chúng ta không bị phá nát bởi những dự án nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, mà phải trở thành một thành phố hiện đại, sánh ngang, thậm chí là vượt các thành phố phát triển khác”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ tại Lễ động thổ Dự án Thành phố Thông minh.

Còn ông Masayuki Hyodo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sumitomo nhấn mạnh: “Dự án này sẽ không sao chép hình mẫu của bất cứ thành phố nào, mà sẽ là một dự án thật đẹp, áp dụng những công nghệ 4.0 mới nhất, cùng đem đến chất lượng sống mới cho người dân”.

Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành vào năm 2028. Riêng giai đoạn I dự kiến hoàn thành sau 24 tháng, kể từ ngày Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội, liên doanh giữa 2 tập đoàn được bàn giao mặt bằng sạch.

Chỉ sau đó ít ngày, Tập đoàn TH đã động thổ Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao đầu tiên ở Việt Nam - TH Medical, quy mô 3.500 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD). Và tương tự, dấu ấn Nhật Bản trong dự án này là rất lớn.

TH, ngay sau khi lên kế hoạch xây dựng TH Medical, đã tới Nhật Bản để tìm kiếm đối tác. Tháng 6/2017, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và quan chức cấp cao hai nước, TH đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn International Total Engineering Corporation (ITEC) - đơn vị có kinh nghiệm nhất chuyên về y tế của Nhật Bản, đã tư vấn, quản lý hơn 1.500 dự án bệnh viện trên 90 quốc gia trên thế giới, để triển khai xây dựng TH Medical.

Đơn vị thiết kế của TH Medical cũng là một đối tác Nhật Bản. Đông đảo các chuyên gia, bác sĩ Nhật Bản sẽ tham gia vận hành trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe này. Thậm chí, GS. Komatsumoto Satoru, một chuyên gia y tế đầu ngành ở Nhật Bản đã được lựa chọn để đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành TH Medical.

Trong khuôn khổ Lễ động thổ, Tập đoàn TH, TH Medical và đối tác Nhật Bản là Ðại học Keio và Bệnh viện Keio đã ký thỏa thuận hợp tác, để từ đó, các bên sẽ từng bước cụ thể hoá mô hình, thực tế vận hành, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực, kế thừa thành tựu y khoa hai nước, nhằm đưa TH Medical trở thành công trình dấu ấn hợp tác giữa hai nước, hai chính phủ.

Sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ động thổ Dự án Thành phố Thông minh đã thể hiện sự coi trọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ trong thực hiện Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Không chỉ BRG hay TH, trước đó, FPT - một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng rất chủ động và tích cực trong mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp Nhật. FPT đã mở công ty ở Nhật Bản và vừa tiếp tục xây dựng Trường Nhật ngữ FPT tại Tokyo.

Thông tin từ Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Nhật Bản tiếp tục là thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT, đóng góp tới 53% doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin của FPT ở nước ngoài, đạt 4.147 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 24% so với cùng kỳ.

Đối tác sâu rộng, toàn diện

Nhật Bản hiện là đối tác lớn thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch, thứ tư về thương mại và là đối tác lớn nhất trong cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác này ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn, nhất là về đầu tư.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 9/2019, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam 4.291 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 60,35 tỷ USD. Trong 2 năm 2017 và 2018, Nhật Bản đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. 9 tháng đầu năm nay, Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ tư, song số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD vẫn rất đáng kể. Thêm nữa, xu hướng cho thấy, ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Cũng trong tháng 10 này, Sumitomo đã động thổ Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, vốn đầu tư 2,58 tỷ USD sau 12 năm đeo đuổi. Sumitomo đã cùng công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản chi khoảng 4 tỷ yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty cổ phần Gemadept, đồng thời đã quyết định chi thêm 177 triệu USD để mở rộng hai khu công nghiệp Thăng Long II và Thăng Long III, mà Tập đoàn đã đầu tư ở Hưng Yên và Vĩnh Phúc.

Không chỉ Sumitomo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang tiếp tục bày tỏ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hãng bán lẻ đồ thời trang của Nhật Bản là Stripe International, sau khi thâu tóm hãng thời trang NEM vào 2 năm trước, mới đây tiếp tục chi tiền để giành quyền sở hữu hệ thống các cửa hàng của hãng giày dép, túi xách Vascara.

Trong khi đó, Sharp đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam để chuyển sản xuất màn hình LCD lắp cho ô tô bán tại Mỹ từ Trung Quốc sang nhằm tránh mức thuế mới được áp đặt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tương tự, Kyocera sẽ chuyển dây chuyền sản xuất máy photocopy và máy in đa năng cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của JETRO, được công bố vào đầu năm nay, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có định hướng mở rộng kinh doanh. Kể cả với các doanh nghiệp được thành lập trước năm 2010, cũng có tới 67,1% cho biết, có phương án mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng của nhà đầu tư Nhật Bản.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào dòng vốn đầu tư có chất lượng từ quốc gia này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW về nội dung này.

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công du Nhật Bản cuối tháng 6, đầu tháng 7 qua, sau khi rời Nhật Bản trở về Việt Nam tham dự Lễ ký kết Hiệp định EVFTA và EVIPA, đã quay lại Nhật Bản ngay trong ngày để tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, được tổ chức tại Tokyo.

Câu chuyện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Tại Hội nghị, Thủ tướng nói: “Có thể nói, các bạn Nhật là những người mở hàng đầu tiên”. Kết quả, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được ký, với tổng trị giá 8 tỷ USD.

Năm ngoái cũng thế, ngay sau khi Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tới Nhật Bản, với mong muốn các nhà đầu tư Nhật sẽ “mở hàng” cho chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài mới của Việt Nam. Kết quả, đã có các thỏa thuận được ký kết, trị giá 10 tỷ USD.

Nếu các thỏa thuận trên trở thành hiện thực, sẽ có một ngân khoản không nhỏ được các nhà đầu tư Nhật đổ vào Việt Nam.

“Với tầm nhìn Nhật Bản tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất trong hợp tác đầu tư của Việt Nam, đối với các tập đoàn lớn của Nhật, tôi khuyến khích các bạn đầu tư có chất lượng cao vào Việt Nam, với các dự án thân thiện môi trường, hạ tầng chất lượng cao, áp dụng và chuyển giao công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia các kênh phân phối khu vực, toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, các nhà đầu tư Nhật Bản chính là “hình mẫu” của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bởi sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm, kỷ luật, sự trung thực và tính hiệu quả trong đầu tư.

Còn Chủ tịch JETRO Nobuhiko Sasaki thì khẳng định về một cơ hội đầu tư “có một không hai” của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Chưa bao giờ, không khí đầu tư lại sôi động như vậy. Và điều đó đang hứa hẹn một “luồng gió mới”, thậm chí là một “kỷ nguyên mới” trong đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam và ngược lại.

Hợp tác kinh tế, đầu tư Việt - Nhật sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc

Trong 2 ngày 22-23/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới Nhật Bản tham dự lễ đăng quang của nhà vua Nhật Bản Naruhito. Đây là sự kiện trọng đại, đánh đấu sự bắt đầu của một triều đại mới của Nhật Bản, với niên hiệu Lệnh Hòa...

Việt Nam tin tưởng chắc chắn, dưới thời đại “Lệnh Hòa”, đất nước và nhân dân Nhật Bản sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước thịnh vượng, phồn vinh, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục được củng cố, phát triển tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Khi Nhật Bản tiếp tục phát triển, khi mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn, thì đó là cơ hội to lớn để hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục có những bước tiến vượt bậc.

Tin bài liên quan