Phó thủ tướng kêu gọi người dân bỏ thói chen lấn, trễ giờ

Nhiều người Việt đang có những biểu hiện thiếu văn hoá như lãng phí, xả rác bừa bãi, ồn ào nơi công cộng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh:VGP.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh:VGP.

Ngày 16/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch phối hợp cùng Hội Nhà báo, Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hoá ứng xử". 

Tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng văn hoá là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển quốc gia. Văn hoá ứng xử được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện của mỗi người. 

"Một người được khen rất giàu, rất đẹp, rất sang, nhưng không quý bằng được khen có học. Lời khen là người có học cũng chưa quý bằng lời khen có văn hóa. Một dân tộc, cộng đồng giàu có với nhiều công nghệ hiện đại thì đáng được ca tụng nhưng tự hào hơn nếu được ca ngợi là dân tộc có văn hóa", ông Đam giải thích rõ hơn tầm quan trọng của văn hoá ứng xử.

Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam đang có những biểu hiện thiếu văn hoá mà ai cũng nhận thấy rõ. Đó là chen lấn, lãng phí, xả rác bừa bãi, ồn ào nơi công cộng, trễ giờ, dùng những thứ không phải của mình mà không xin phép...

Trước việc người Việt khi đi lễ, dự sự kiện luôn chen lấn lên trước, ông Đam kỳ vọng, nếu hình thành được văn hoá xếp hàng thì ý thức giao thông cũng sẽ khác. Người dân nếu tập trung khắc phục được hai thói quen xấu này, xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, những hành vi thiếu văn hoá đang có chiều hướng lan rộng nhưng đó không phải bản chất dân tộc. Sự lệch chuẩn đó là do ảnh hưởng của thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, văn hoá không được chú ý đúng mức. Hơn nữa, thực tế trên không phải là bất bình thường so với nhiều nước trên thế giới. Đây là "căn bệnh" chung của các nền kinh tế đang trong thời kỳ chuyển đổi để phát triển.  

"Nếu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, đến khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP mới có thể khắc phục", Phó Thủ tướng chia sẻ trăn trở và kêu gọi báo chí có tiếng nói mạnh mẽ hơn về vấn đề này bằng cách tăng bài viết, chuyên mục về ứng xử văn hoá. Các nhà nghiên cứu, khoa học, truyền thông cũng cần chung tay để người dân nhận biết hành vi tốt và chưa phù hợp để tự sửa mình. 

"Chỉ có như vậy thì sự phát triển của đất nước mới thực sự bền vững, người Việt Nam hôm nay mới xứng đáng với di sản rất đáng tự hào mà tổ tiên để lại", Phó Thủ tướng nói.

Tin bài liên quan