Có tới 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Vinalines thua lỗ hoặc có hiệu quả thấp

Có tới 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Vinalines thua lỗ hoặc có hiệu quả thấp

“Ông lớn” doanh nghiệp nhà nước loay hoay với nợ quá hạn

(ĐTCK) Nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước vướng khoản nợ khó đòi, tồn đọng nhiều năm lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chưa có phương án xử lý rõ ràng. Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước, mà còn khiến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp rất khó khăn.

Quản lý tài chính yếu kém 

Báo cáo kết quả kiểm toán các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội mới đây đã chỉ ra thực trạng, tại nhiều DNNN đang tồn tại những khoản nợ khó đòi, nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hệ quả của những khoản đầu tư tràn lan, thiếu quản lý chặt chẽ trong giai đoạn trước.

Cụ thể, Tổng công ty Mobifone - Công ty mẹ có khoản nợ khó đòi lên tới 312,8 tỷ đồng (chiếm 30,4% nợ phải thu), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có khoản nợ khó đòi 376,65 tỷ đồng (chiếm 25,7% nợ phải thu). Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) có hai đơn vị vướng nợ khó đòi là Văn phòng Tổng công ty và Công ty Cổ phần Hòa Việt với tổng khoản nợ ngót nghét  gần trăm tỷ đồng

Bên cạnh những khoản nợ khó đòi, nhiều DNNN cũng có khoản nợ phải thu quá hạn có giá trị lớn. Đáng chú ý, một số đơn vị ngành vận tải biển có nợ quá hạn lên tới nhiều ngàn tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (8.481,6 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (3.403 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Vận tải Biển Bắc (2.219 tỷ đồng)…

Ông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Công ty mẹ) lâu nay cũng loay hoay với những khoản nợ quá hạn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Các khoản nợ này chưa có phương án xử lý rõ ràng, chưa biết sẽ đi đến đâu, bao giờ mới thu hồi được nợ để hoàn trả vốn cho nhà nước.

Mắc kẹt với các khoản nợ khó đòi, nợ quá hạn, nhiều tồn tại trong công tác quản lý nợ của các DNNN cũng đã bị Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ. Theo đó, một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi… Trong số này, có thể kể đến Tổng công ty  Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng công ty Mía đường II, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)…

Ở chiều ngược lại, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau Vinalines có hệ số nợ phải trả cao gấp 153,92 lần vốn chủ sở hữu. Tập đoàn Điện lực (EVN) cũng có tên trong danh sách này, với 2 đơn vị thành viên được nêu tên là Tổng công ty Phát điện 3 (6,74 lần); Tổng công ty Phát điện 1 (4,35 lần.

Vốn góp của nhiều đơn vị vào  doanh nghiệp khác có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể; trong đó nhiều đơn vị đã rơi vào tình trạng mất hết vốn chủ sở hữu với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là cái tên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với nhiều khoản đầu tư đã bị mất vốn, 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Vinalines thua lỗ hoặc có hiệu quả thấp. Đây thực sự là bức tranh đáng lo ngại về hiệu quả hoạt động kinh doanh và đầu tư của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Kết quả này một lần nữa cho thấy, dù được dành nhiều nguồn lực ưu đãi, song các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã không thực hiện được nhiệm vụ ”quả đấm thép” của nền kinh tế như kỳ vọng.    

Và hệ lụy

Nhìn vào bức tranh tài chính với rất nhiều điểm hạn chế như đã đề cập ở trên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, phải có sự chấn chỉnh trong quản lý tài chính, đầu tư của các DNNN, bởi nhiều hệ lụy có thể xảy ra với nền kinh tế. Trước hết, một lượng nợ lớn của các DNNN không được Chính phủ bảo lãnh, hiện không được phản ánh trong bội chi ngân sách và nợ công hàng năm như thông lệ và khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế.

Một chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, từ năm 2015, mỗi năm, chúng ta cần tới hàng trăm nghìn tỷ đồng để đảo nợ trái phiếu Chính phủ trong khi tỷ lệ nợ công (không tính nợ của DNNN) đang lên xấp xỉ  65% GDP, mức trần cho phép.

Việc tính toán chưa đầy đủ như trên khiến cho bức tranh nợ công chưa đến ngưỡng báo động và kỷ luật trong phân cấp tài khoá vẫn còn rất lỏng lẻo, dẫn tới nhiều bất cập như thất thu, chi tiêu sai, đầu tư dàn trải, thể hiện ở hệ số ICOR của Việt Nam theo tính toán của Tổng cục Thống kê cao gấp khoảng 1,5 - 2 lần các nước khác, trong đó đặc biệt lưu ý là đầu tư của DNNN.

Thực tế, quản lý nợ của các DNNN cũng cho thấy một vấn đề quan trọng khác là Chính phủ cần sớm kiên quyết bỏ chính sách bảo lãnh vay vốn, nhất là với khu vực DNNN. Trên thực tế, nguồn vốn vay được Chính phủ bảo lãnh tăng nhanh, bình quân khoảng 50%/năm. Tổng số nợ được Chính phủ bảo lãnh năm 2014 đạt 500.000 tỷ đồng và ước lên tới 642.000 tỷ đồng năm 2015.

Những tồn tại về tài chính của khu vực DNNN đang dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong việc thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN. Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) cho biết, kế hoạch tái cơ cấu tổng công ty này đang bước vào đợt 2 giai đoạn 2, tức là xử lý nợ ở những công ty con của SBIC và đợt 3 sẽ xử lý hết những tồn tại còn lại.

Tổng công ty đã xử lý được hơn 100 doanh nghiệp, còn hơn 100 doanh nghiệp đang cần xử lý bằng nhiều giải pháp như cho phá sản, bán, giải thể, chuyển nhượng, cổ phần hóa, sáp nhập… Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp đều âm vốn chủ không có nguồn trả nợ, chưa góp đủ vốn điều lệ… Trong khi đó, thị trường xấu nên bán doanh nghiệp lại không có người mua. Bởi vậy cổ phần hóa các doanh nghiệp hầu hết đều đang tắc, cần có cơ chế mới xử lý được.                   

“Ông lớn” doanh nghiệp nhà nước loay hoay với nợ quá hạn ảnh 1

 Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương

Không thể có chuyện tài sản nhà nước giảm bớt hoặc mất đi trong hoạt động đầu tư, hay CPH DNNN, cần phải xác minh rõ quy trình đầu tư bằng vốn nhà nước cũng như rút vốn ra khỏi DNNN cho các mục đích theo đúng trình tự thẩm định của pháp luật cũng như hiệu quả, khả năng đầu tư của nguồn vốn này khi đầu tư vào bất cứ một dự án/DN nào, nếu chi tiêu thì chi tiêu vào đâu, làm gì cũng phải xác định được rõ ràng, minh bạch để kiểm soát được vốn chủ sở hữu nhà nước, tránh tình trạng vì lợi ích nhóm dẫn tới thất thoát tài sản vốn nhà nước.
“Ông lớn” doanh nghiệp nhà nước loay hoay với nợ quá hạn ảnh 2

 TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cần phải làm rõ đến cùng và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại trực tiếp các DN và kể cả trách nhiệm gián tiếp của cơ quan chủ quản khi để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước tại các DN. Cần thúc đẩy thực thi cơ chế minh bạch thông tin và nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giải trình, đặc biệt là ở cấp lãnh đạo DN và trách nhiệm giám sát của các bộ chủ quản. Đây cũng là một trong những công việc quan trọng trong mục tiêu chống tham nhũng, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, góp phần kiến tạo Chính phủ liêm chính vững mạnh mà ta đang hướng tới.

Ông Takahashi Akito, Phó Trưởng đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam

Nhà nước không nên sử dụng quyền hạn của mình để tăng cường tín dụng của công ty bằng việc huy động vốn thông qua trợ cấp quá mức bảo lãnh tín dụng của chính phủ và các biện pháp khác. Điều này sẽ bóp méo thị trường và dẫn đến những bước đi thất bại trong việc xác định một cơ chế bình đẳng. Thêm vào đó, cơ chế đặc biệt và khác biệt này đối với các doanh nghiệp nhà nước có thể gây ra những rủi ro tiềm tàng đối với việc quản lý tài chính quốc gia.

Tin bài liên quan