Ông chủ mới của nhà máy Microsoft Việt Nam là ai?

Ông chủ mới của nhà máy Microsoft Việt Nam là ai?

Microsoft đã bán mảng sản xuất điện thoại phổ thông cho Tập đoàn Hon Hai/Foxconn (Đài Loan) và HMD Global, Oy (Phần Lan). Hai doanh nghiệp này cũng đồng thời là chủ mới của nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam.

Thương vụ bán lại mảng sản xuất - kinh doanh điện thoại phổ thông cho FIH Mobile, thuộc Tập đoàn Hon Hai/Foxconn (Đài Loan) và HMD Global, Oy (Phần Lan) đã chính thức được Tập đoàn Microsoft công bố chiều 18/5.

Ngoài giá trị thương vụ được công bố là 350 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm, thì dư luận đang dồn sự quan tâm vào việc Foxconn và HMD sẽ “chia phần” thế nào với việc sở hữu nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam.

Thông tin được đăng tải trên tờ MediaOnline cho biết, trong thương vụ này, FIH Mobile sẽ bỏ ra 330 triệu USD mua lại nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam - vốn trước đây thuộc sở hữu của Nokia và toàn bộ hệ thống bán hàng, phân phối mảng điện thoại. Trong khi đó, HMD chi 20 triệu USD để mua lại thương hiệu Nokia và bản quyền thiết kế điện thoại.

Trước đây, khi mua lại mảng Thiết bị của Nokia, Microsoft đã giành được quyền sở hữu thương hiệu Nokia cho điện thoại tới năm 2024, và tới quý II/2016 thì hãng Nokia có quyền sản xuất điện thoại trở lại với thương hiệu nào đó.

Với các thỏa thuận này, xem ra, có thể nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam sẽ thuộc quyền sở hữu của Foxconn và họ sẽ nhận gia công điện thoại cho HMD. Và nếu vậy, nhà máy ở Bắc Ninh có thể lại sản xuất điện thoại mang thương hiệu Nokia.

Trong hai tên tuổi này, Foxconn khá nổi tiếng trong giới công nghệ toàn cầu, bởi họ là nhà sản xuất chuyên gia công sản phẩm cho các hãng công nghệ nước ngoài, trong đó có các sản phẩm iPhone của Apple.

Tại Việt Nam, Foxconn hiện có hai nhà máy sản xuất thiết bị điện tử ở Bắc Ninh, vốn đầu tư 160 triệu USD. Sau đó, còn một nhà máy khác ở Bắc Giang. Tập đoàn này đã từng công bố kế hoạch đầu tư tới 5 tỷ USD tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất đồ điện tử, máy tính, điện thoại với trị giá 200 triệu USD.

Tuy nhiên, dự án này vào tháng 6/2016 đã bị tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi do chậm trễ trong triển khai. Ở Vĩnh Phúc, Foxconn cũng đã cam kết đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên II, tuy nhiên, do chậm triển khai, dự án này cũng đã bị điều chỉnh quy mô từ 485 ha xuống còn 45,6 ha. Trên diện tích 45,6 ha, Fuchuan (công ty con của Foxconn) đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đã bắt đầu thu hút được các dự án đầu tư thứ cấp.

Từ bỏ dự án 200 triệu USD ở Vĩnh Phúc, nhưng cuối cùng, Foxconn lại lựa chọn mua lại nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam. Xem ra, đây là cách nhanh hơn cả để họ thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam, thay vì phải xây dựng từ đầu một nhà máy mới.

Trong khi đó, HMD Global là một công ty tư nhân mới thành lập có trụ sở tại Phần Lan. HMD do một nhóm các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực di động điều hành, bao gồm quyền CEO Arto Nummela, người từng giữ vai trò giám đốc cao cấp tại Nokia, và hiện đang làm người đứng đầu bộ phận di động của Microsoft ở khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi; cùng quyền Phó tổng phụ trách kinh doanh thị trường châu Âu của Microsoft Mobile, là người từng giữ vai trò chính tại Nokia, HTC và nhiều thương hiệu lớn khác.

Thông tin cho biết, HMD sẽ bước vào thị trường di động toàn cầu ở thời điểm nhu cầu người dùng đối với thiết bị di động là một hệ sinh thái vững mạnh, mang lại những trải nghiệm thú vị với mức giá cạnh tranh.

HMD cũng dự tính sẽ sản xuất các dòng điện thoại, máy tính bảng mang thương hiệu Nokia chạy trên hệ điều hành Android, thay vì hệ điều hành Windows Phone như cũ khi còn thuộc sở hữu của Microsoft.

Với những động thái này thì xem ra, các sản phẩm điện thoại Nokia sẽ tiếp tục được sản xuất tại Việt Nam, nhưng mà sẽ sử dụng hệ điều hành Android.

Tin bài liên quan