Nông nghiệp cần giải cứu

Nông nghiệp cần giải cứu

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang chờ Nhà nước có chính sách, cơ chế hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm…  

Không chỉ có hoa quả, con lợn cũng cần được giải cứu

Những ngày qua, qua việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi doanh nghiệp giải cứu chăn nuôi lợn cùng việc người dân cả nước tham gia giải cứu dưa hấu cho nông dân tỉnh Quảng Ngãi lại rộ lên câu hỏi đến bao giờ nông nghiệp Việt Nam mới hết phải sống trong cảnh người nhà “giải cứu” hàng nhà…

Theo đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA), trong cuộc giải cứu dưa hấu, ít thấy bóng dáng của doanh nghiệp (DN), mà chủ yếu là các bạn trẻ tổ chức hoạt động thông qua mạng xã hội.

TS. Nguyễn Tiến Thắng, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngoại thương TP.HCM) cho rằng, không chỉ có hoa quả, mà hiện nay, con lợn cũng đang cần được giải cứu khi giá lợn giảm xuống mức quá thấp, chỉ đủ bù đắp một phần chi phí chăn nuôi. Việc giải cứu con lợn khó hơn hoa quả, nên việc này cần có sự tham gia của DN, song chưa nhiều DN tham gia.

“Tại sao tới nay, ít thấy bóng dáng DN phát triển ngành nông nghiệp? Phải chăng chính sách chưa thể hút được DN quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này - lĩnh vực được cho là thế mạnh của Việt Nam nhiều đời nay”, ông Thắng đặt câu hỏi.

Nhìn vào thực tế DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, có thể thấy, đa phần là những DN có tiềm lực tài chính rất mạnh như Vinamilk, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… Sản phẩm của các đơn vị này sản xuất ra rồi tự tiêu thụ, nên họ “sống khỏe”. Nhưng các DN nhỏ, DN khởi nghiệp đầu tư vào ngành này thì lại khác.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc CTCP An Huy Sông Thao cho biết: “Khi đầu tư, việc tiếp cận vốn cực khó với DN. Bên cạnh đó, quỹ đất, đầu tư kỹ thuật… cũng là khó khăn lớn của DN. Với thực trạng như hiện nay, chỉ DN có tiềm lực kinh tế mạnh, có đầu vào, đầu ra ổn định mới thực sự sống được với ngành nông nghiệp”, ông Thành nói.

Một câu chuyện khác cũng cần nói tới là DN bị bỏ rơi khi đầu tư vào ngành này. Chẳng hạn, từ cuối năm 2016 tới nay, DN cà phê, điều, tiêu lâm vào cảnh mất mùa, nhưng phải tự “bơi” để sống.

“Đáng lẽ, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ người dân về kỹ thuật, công nghệ để đợt đậu quả thứ hai, thứ ba, cây tiêu và cà phê sẽ cho sản lượng cao hơn, để gỡ gạc cho đợt đậu quả đầu tiên không hiệu quả. Nhưng chúng tôi không được hỗ trợ, người dân nản chí, phá bỏ vùng nguyên liệu, DN thiếu nguyên liệu sản xuất, kéo theo hàng loạt hệ quả, từ vấn đề lao động tới đơn hàng”, ông Nguyễn Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu điều Việt Hà nói.

Làm gì để thu hút DN đầu tư vào ngành nông nghiệp?

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 1% tổng số DN cả nước. Một lý do quan trọng dẫn đến thực trạng này là, muốn được hỗ trợ theo đúng tiêu chuẩn của Nghị định số 210/2013/NĐ - CP, doanh nghiệp phải trải qua 16 bước với 40 văn bản liên quan. Bên cạnh đó, ở các địa phương hiện nay, nguồn ngân sách  được ưu tiên đầu tư cho hạ tầng, nên vốn hỗ trợ DN nông nghiệp rất ít.    

Muốn được hỗ trợ theo đúng tiêu chuẩn của Nghị định số 210/2013/NĐ - CP, doanh nghiệp phải trải qua qua 16 bước với 40 văn bản liên quan.
Nhìn thẳng vào thực tế này, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau 4 năm thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ - CP, mới thu hút được 64 dự án của DN đầu tư vào nông nghiệp ở 23 tỉnh, thành phố. Do ngân sách khó khăn, nên vốn bố trí cho 64 dự án trên cứ sau mỗi năm lại bị bớt đi một nửa (năm 2015 bố trí được 168 tỷ đồng; năm 2016 là 78 tỷ và năm 2017 chỉ có 32 tỷ đồng trong tổng số 380 tỷ đồng mà Nhà nước cam kết).

Ông Phạm Minh Đạo, Chủ tịch Hiệp hội Điều Đồng Nai cho biết, thủ tục hành chính cho ngành nông nghiệp đang bị DN kêu nhiều. Ở cấp bộ và lãnh đạo tỉnh, việc giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất - kinh doanh rất nhanh, nhưng ở cấp sở, ngành địa phương lại rất chậm.

Ông Hoàng Công Đoàn, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp Việt Nam thì cho rằng, cách hỗ trợ DN hiện nay của địa phương là không ổn, chủ yếu căn cứ theo danh mục ưu đãi đầu tư do UBND tỉnh duyệt, nhưng không ai bảo đảm danh mục đó mang lại hiệu quả cho DN.

Ngoài ra, các địa phương còn lúng túng khi triển khai chính sách dồn điền đổi thửa. Vì vậy, nhiều DN không có diện tích đất đủ lớn để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả, nên ngân hàng không mặn mà cho DN vay vốn để triển khai hoạt động.

“Cần coi trọng các nội dung về tạo thuận lợi cho thương mại, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, các chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm bằng cách phát triển thị trường, sàn giao dịch nông sản. Có như vậy, DN mới yên tâm đầu tư vào nông nghiệp”, ông Đoàn nhận xét.

Tin bài liên quan