Nóng chuyện lấp lỗ hổng

Nóng chuyện lấp lỗ hổng

(ĐTCK) Cuộc họp báo diễn ra sáng 27/9 về chủ đề cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Tài chính thu hút sự chú ý đặc biệt, dù đây là sự kiện thường kỳ.

Những điểm mới trong dự thảo Nghị định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu khắc phục những lỗ hổng về cổ phần hóa được phản ánh đậm nét bấy lâu nay, được Bộ Tài chính tiếp tục nhấn mạnh. Theo đó, dự thảo Nghị định mới tập trung điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cố phần hóa.

Cụ thể, dự thảo đề cao tiêu chí nhà đầu tư chiến lược có cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất 3 năm. Hay nói theo cách của ông Ðặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, là phải chọn nhà đầu tư chiến lược có cùng ngành nghề chính với doanh nghiệp cổ phần hóa.

Vấn đề thứ hai được điều chỉnh là xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Ðây là điều đang gây bức xúc trong dư luận hiện nay, vì thực tế cho thấy, quy định cho phép định giá đất thuê trả tiền hằng năm với giá trị 0 đồng đã tạo ra lỗ hổng lớn, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước. Năm 2016, Báo Ðầu tư Chứng khoán đã có loạt bài 4 kỳ phản ánh chi tiết về lỗ hổng này, với hàng chục doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo tinh thần của dự thảo Nghị định, tới đây, trước khi triển khai cổ phần hóa, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý phải tiến hành sắp xếp lại đất đai theo hướng làm rõ từng lô đất của doanh nghiệp sẽ được quy hoạch sử dụng đất như thế nào. Ðất quy hoạch làm bất động sản mà dư luận nhức nhối lâu nay sẽ phải tính vào định giá doanh nghiệp.

Ðó có thể là những điểm mới và ở góc độ nào đó mang tư duy mạnh mẽ, với mong muốn tạo ra thay đổi về chất đối với tiến trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, liệu những quy định này có khiến cho tiến trình cổ phần hóa đang chậm trễ bấy lâu nay tăng tốc? Câu trả lời là không dễ.

Các quy định về sắp xếp lại đất đai đã có trong nhiều nghị định, quyết định của Chính phủ, được ban hành từ khá lâu. Ngoài ra, gần đây nhất có Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Nhưng đất đai là vấn đề liên quan đến nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ quan, địa phương, rà soát lại quy hoạch, sắp xếp lại đất đai không thể làm trong một sớm, một chiều. Ðó là chưa kể việc sắp xếp lại có thể chậm trễ vì liên quan đến quyền lợi của không ít “người trong cuộc” theo như nhận xét của giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán lớn.

Sẽ có rất nhiều thách thức phải vượt qua để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đạt được tiến độ. 127 doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong các năm 2017 - 2020, hơn 600 doanh nghiệp sẽ thoái vốn nhà nước từ nay đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay. Cơ hội đang rộng mở với các nhà đầu tư, nhưng để có thể đặt chân vào các doanh nghiệp, có không ít vấn đề chờ giải quyết.

Tin bài liên quan