Vấn đề cấp thiết hiện nay là các bộ, ngành hữu trách và bản thân lãnh đạo doanh nghiệp, ban quản lý dự án phải đồng lòng, đồng sức tìm hướng khắc phục, có lộ trình cụ thể, không để công việc bị trì hoãn

Vấn đề cấp thiết hiện nay là các bộ, ngành hữu trách và bản thân lãnh đạo doanh nghiệp, ban quản lý dự án phải đồng lòng, đồng sức tìm hướng khắc phục, có lộ trình cụ thể, không để công việc bị trì hoãn

Nói không với dự án thua lỗ

Với mục tiêu rõ ràng rằng “Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa”, 12 dự án, nhà máy đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả trong ngành công thương đã được định mốc thời gian 2 năm để xoay chuyển cơ bản tình trạng hiện nay.     

Ngoài 5 nhà máy, dự án “ngàn tỷ” thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả được cả nước biết tên, trong danh sách 12 dự án, nhà máy nêu trên đã xuất hiện thêm 7 cái tên mới. Đó là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy phân bón DAP 1 Lào Cai, Nhà máy Phân bón DAP 2 Hải Phòng, Nhà máy Ethanol Bình Phước, Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang thép Lào Cai.

12 dự án, nhà máy này có một điểm chung, đó là đều có phần vốn đầu tư lớn của Nhà nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được giao làm chủ đầu tư hay tham gia với tư cách cổ đông lớn, chiếm cổ phần chi phối.

Cách đây chưa lâu, trên diễn đàn về đổi mới, sắp xếp lại DNNN, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã không ngần ngại nói về tình trạng “làm một ông chủ giả bằng tiền nhà nước khoẻ hơn bỏ tiền ra để đầu tư” hay “vốn nhà nước mà mình dùng như chủ thật” đang tồn tại ở nhiều DNNN để minh chứng cho sự trì trệ trong đổi mới, cổ phần hoá DNNN.

Thực tế, áp lực về bảo toàn vốn nhà nước không làm khó lãnh đạo DNNN bởi không có các yêu cầu cụ thể về cổ tức, tốc độ tăng trưởng, tiền lương. Do đó, không ít “ông chủ giả” có ra tâm lý không cần đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá để trở thành “chủ thật”, rồi phải vất vả đảm bảo mức tăng trưởng 1 hoặc 2 chữ số.

Dễ dàng nhận thấy rằng, trong khi các dự án của tư nhân, nếu hoạt động kém hiệu quả và thua lỗ sẽ rơi vào cảnh trắng tay, phá sản hoặc ngồi tù, thì tại 12 dự án, nhà máy được nhắc tới, dù có hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả hay đầu tư dở dang, gây lãng phí nhiều chục ngàn tỷ đồng thì vẫn chưa có cá nhân hay cơ quan nào được chỉ mặt, đặt tên, quy trách nhiệm cụ thể. Bởi vậy, cùng với quan điểm “kiên quyết xử lý các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”, việc xác định rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan, kèm với đó là chế tài xử lý cụ thể, cũng phải nghiêm khắc, công khai hơn.

Ở khía cạnh khác, bên cạnh kế hoạch đặt ra là đến hết năm 2017 phải có chuyển biến căn bản về kết quả xử lý, phấn đấu tới hết năm 2018 phải cơ bản xử lý xong các dự án, việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực tham gia làm sống lại dự án, cần được triển khai sớm và mạnh mẽ hơn. Đây cũng chính là giải pháp góp phần thay đổi cơ bản về chất của khối DNNN, giúp Nhà nước thoát khỏi cảnh vừa phải bỏ tiền đầu tư, vừa phải lo tạo cơ chế cho các dự án, nhà máy này không thua lỗ, trong khi những “ông chủ giả” ung dung tiêu tiền của người khác nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì.

Có thể dự báo rằng, cuộc đại phẫu tại 12 dự án, nhà máy trong ngành công thương sẽ động chạm tới quyền lợi của nhóm lợi ích. Song nếu không đại phẫu thì những khối u còn mãi đeo dẳng và sẽ không tạo ra động lực mới cho phát triển.

Thực tế tại một số dự án như Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ... hay các dự án nhiên liệu sinh học cho thấy, dù thời gian triển khai kéo dài, dù cơ quan hữu trách tốn nhiều công sức, nhưng rốt cuộc, dự án vẫn chậm tiến độ hoặc không phát huy được hiệu quả mong đợi. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết hiện nay là các bộ, ngành hữu trách và bản thân lãnh đạo doanh nghiệp, ban quản lý dự án phải đồng lòng, đồng sức tìm hướng khắc phục, có lộ trình cụ thể, không để công việc bị trì hoãn.

Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ từng phát đi thông điệp “không sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ, nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này”. Đã đến lúc, các bộ, ngành hữu trách và bản thân lãnh đạo doanh nghiệp, ban quản lý dự án phải sẵn sàng thay đổi thì mới có thể khắc phục được tình trạng yếu kém và mới có thể hy vọng về những bước chuyển động tích cực tiếp theo.

Tin bài liên quan