Những nguồn lực bị đánh cắp (Bài 3): Không đánh đổi tốc độ và hiệu quả

Những nguồn lực bị đánh cắp (Bài 3): Không đánh đổi tốc độ và hiệu quả

(ĐTCK) Có những ý kiến e ngại rằng công cuộc chống tham nhũng và rất nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến quản lý vốn nhà nước bị lôi ra ánh sáng sẽ khiến quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước càng chậm trễ hơn. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại có quan điểm khác.

Thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ, một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, đang được thực hiện với tốc độ “rùa bò” và nhiều khả năng không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Quyết định 1232/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng ngại hơn, thời gian qua xuất hiện những thương vụ thoái vốn nhà nước có dấu hiệu thiếu minh bạch, không tối đa hóa được giá trị thu về, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa bị buông lỏng quản lý dẫn đến mất vốn, thất thoát vốn nhà nước. Đây là sự lãng phí to lớn trong bối cảnh đất nước đang cần chắt chiu các nguồn lực để duy trì đà tăng trưởng.

Bài 3: Không đánh đổi tốc độ và hiệu quả

Có những ý kiến e ngại rằng công cuộc chống tham nhũng và rất nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan đến quản lý vốn nhà nước bị lôi ra ánh sáng sẽ khiến quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước càng chậm trễ hơn. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại có quan điểm khác.

Cải thiện hiệu quả quản lý: Câu trả lời ở kết quả chống tham nhũng

Nếu tính cả các doanh nghiệp chưa thực hiện thoái vốn từ năm 2017 theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1232/2017/QĐ-TTg thì năm 2019, có tới gần 300 đơn vị thuộc diện phải triển khai thoái vốn nhà nước. Song, từ đầu năm cho đến nay, số doanh nghiệp triển khai được mới đếm trên đầu ngón tay.

Bộ Tài chính cũng cho biết, đến nay, mới chỉ có hơn 30 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; năm 2018 có 18 đơn vị).

Tình trạng thoái vốn nhà nước chậm trễ, theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, có nguyên nhân là các văn bản mới liên quan đến quy trình thực hiện (đặc biệt là việc siết lại các quy định xác định giá trị doanh nghiệp liên quan đến đất đai, giá trị văn hóa lịch sử, lợi thế ngành...) được ban hành sau những vụ việc gây bức xúc dư luận về khả năng tư lợi, thất thoát, cần có thời gian để đi vào cuộc sống.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lại lý giải: “Không làm (thoái vốn, cổ phần hóa - PV) thì không sao, còn làm thì người ta có thể  'có sao', tức là có rủi ro. Nên phản ứng của người ta là cứ chuẩn bị, chuẩn bị mà chưa có hành động quyết định”.

Cho đến nay, một số vụ việc sai phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã bị phát hiện và xử lý bước đầu, nhưng chưa có vụ việc nào chính thức đưa ra xử lý tại tòa án. Đã có những ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng, việc thu hồi lại tài sản nhà nước bị thất thoát (cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước bán vốn - PV), có thể tạo ra sự lo ngại trong các nhà đầu tư, khiến họ dè dặt tham gia các đợt bán vốn nhà nước tới đây.

Đề cập đến câu chuyện này, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng chuyên gia kinh tế Oxford khu vực châu Á nói với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, bà đánh giá thị trường vốn cũng như nền kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể nào từ cuộc chiến chống tham nhũng như vậy. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao những động thái đảm bảo cho sự minh bạch, công bằng và gia tăng năng lực quản trị nhà nước.

Còn ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kiểm toán kế toán Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội nhận xét, một trong những vấn đề đáng quan tâm của nền kinh tế hiện nay là cuộc chiến chống tham nhũng, hối lộ đang diễn ra rất cam go. Việc các cán bộ bán tài sản nhà nước, bỏ túi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là không thể chấp nhận được. Hiệu quả quản lý nhà nước có được cải thiện hay không, câu trả lời nằm ở kết quả của những cuộc chiến như thế này.

Minh bạch, công khai mới mong tối ưu hóa giá trị

Những nguồn lực bị đánh cắp (Bài 3): Không đánh đổi tốc độ và hiệu quả ảnh 1

Ông Lee ChoongHwan, đại diện cổ đông MAGBI Fund đến từ Hàn Quốc cho biết, Quỹ có 3.000 chuyên gia để tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam và họ mong muốn có những đợt thoái vốn rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tiền không thiếu, quan trọng là được tiếp cận thông tin đầy đủ, để nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác về doanh nghiệp.

Những cơ hội công bằng và sòng phẳng chỉ có được khi quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước diễn ra công khai minh bạch là quan điểm của Luật sư Sung Mee Hong, phụ trách nghiệp vụ doanh nghiệp và M&A, Công ty Luật Lee&Ko, người có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Luật sư Hong cho hay, thẩm định doanh nghiệp (các rủi ro về tài chính, pháp lý, hoạt động, thuế, môi trường, công nghệ) là khâu vô cùng quan trọng trong quy trình thực hiện một thương vụ M&A. Nhà đầu tư tiềm năng tiến hành điều tra doanh nghiệp, nhân sự, hồ sơ và tài liệu quan trọng của công ty, mục tiêu là để đánh giá các rủi ro liên quan.

Ngoài quy trình thẩm định, các bài thuyết trình quản lý và khảo sát thực địa cũng thường được thực hiện. Nếu không có quy trình này, các nhà đầu tư nước ngoài gần như không thể tham gia vào các cơ hội đầu tư, bởi vì họ phải đưa ra được các thông tin đầy đủ, rõ ràng về doanh nghiệp mục tiêu mới có thể có được sự chấp thuận của ban điều hành, ủy ban đầu tư.

Rõ ràng, nếu có những “cú đi đêm”, những "cái bắt tay dưới gầm bàn", nhà đầu tư nước ngoài như MAGBI Fund hay các khách hàng của luật sư Hong không thể đặt chân được vào các thương vụ ngỡ như có rất nhiều tiềm năng.

“Quan trọng là phải để các giao dịch tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường. Giá cả do thị trường quyết định và các nhà đầu tư sẽ nhìn vào việc tài sản đem bán sinh lợi thế nào. Giá còn do cung - cầu quyết định”, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm và nhấn mạnh sự quan trọng của việc tổ chức các đợt bán vốn công khai, minh bạch theo cả phương thức đấu giá hoặc chào bán dựng sổ (book-building), được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn chi tiết gần đây.

Nói về việc tối đa hóa hiệu quả trong các đợt bán vốn nhà nước, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước cho biết, ngoài làm đúng các quy định, việc bán vốn nhà nước còn đòi hỏi tính thị trường rất lớn. Làm sao để cung và cầu gặp nhau, quy trình thoái vốn có giúp thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư và trở thành một sự kiện khi có các doanh nghiệp tốt được đem ra thoái vốn.

Thu hút được nhiều sự quan tâm, nhiều nhà đầu tư tham gia đợt thoái vốn, dẫn đến xuất hiện cạnh tranh, giúp giá bán trung bình cao hơn cho Nhà nước.  Chỉ khi xây dựng được một quy trình bán vốn chi tiết, chặt chẽ, khoa học mới xóa đi được lo ngại về những lỗ lổng có thể gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán vốn.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Vũ Bằng lại nhấn mạnh đến việc thu hút các nhà đầu tư lớn, có thay đổi về mặt quản trị, giúp thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục phát triển ngành nghề lõi, bên cạnh việc tối ưu hóa giá trị thu về cho Nhà nước.

Điều này cũng sẽ giảm thiểu những cuộc chạy đua, săn mồi của các nhà đầu tư cá mập hướng đến những lợi thế như đất đai, chứ không phải ngành nghề lõi của doanh nghiệp. Các khu đất có vị trí tốt, diện tích lớn cần được sắp xếp và thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch của Nhà nước.

Liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 17/6, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp của Bộ Chính trị và kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng gần đây đều có chỉ đạo tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tinh thần là quyết liệt, không dừng lại, không có vùng cấm; phát hiện tới đâu, xử lý tới đó; công bằng, không để oan nhưng cũng không để lọt tội phạm này.

Phó Thủ tướng thường trực nhấn mạnh, đối với các loại tội phạm, trong đó có các loại tội phạm về tham nhũng, lãng phí, tinh thần là phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt.

Tổng kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên phạm vi cả nước.

Trong đó, có tình hình sử dụng đất do doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa quản lý sử dụng; đất do các ban quản lý rừng và các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp sử dụng; đất tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại; đất xây dựng các công trình sự nghiệp ngoài công lập, công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích.

Thời điểm thực hiện từ ngày 1/8/2019. Kết quả gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 16/4/2020.

Tin bài liên quan