Những chuyện nhỏ về Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Những chuyện nhỏ về Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Sau nhiệm kỳ 5 năm với cương vị Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã để lại những dấu ấn đáng trân trọng, góp phần cho ra đời những văn bản luật và dưới luật quan trọng đối với đất nước.

Những phát biểu của đại biểu Quốc hội Bùi Quang Vinh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII cho đến giờ luôn được nhiều người quan tâm và nhận thấy rõ, ông là người nắm rất chắc thông tin kinh tế của đất nước.

Hồi trung tuần tháng 6/2015, lớp cựu học viên B40, Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc (khoá 15) chúng tôi bất ngờ quyết định tổ chức hội lớp trong phạm vi hẹp tại Quảng Ninh. Do chỉ tổ chức đơn giản, nên ông Vinh, vốn là Bí thư Chi bộ, kiêm Lớp trưởng Lớp B40 không muốn để lãnh đạo Quảng Ninh biết. Vậy nhưng, họ vẫn biết chuyện và có nhã ý mời cả đoàn ra thăm Vịnh Hạ Long. Song ông Vinh vẫn nói muốn để đoàn được tự lo liệu.

Cũng như mọi du khách bình thường, chúng tôi mua vé và xếp hàng xuống tàu du lịch ra Vịnh Hạ Long. Bất chợt, một người đàn ông trung niên tiến lại gần ông Vinh dè dặt hỏi: “Xin lỗi bác, em trông bác rất quen. Hình như là Bộ trưởng thì phải. Bác phát biểu ở Quốc hội, dân chúng em nghe rất thích vì bác nói rất rõ ràng, am tường thực tế sâu sắc...”.

Mọi người đùa với anh rằng, vị Bộ trưởng đó chính là em bác này. Bằng chứng là bác ấy cũng mua vé xuống tàu như mọi người dân đó thôi. Bỏ qua những lời trêu đùa của chúng tôi, anh ta ồ lên: “Ôi! Tôi nhớ ra rồi! Bác là Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng bộ gì đấy, không thể sai được!”. Ông Vinh cười vui, vỗ vai anh ta và nói: “Chú nói vậy thì cũng xem như là biết khá đủ rồi. Tôi xin bắt tay chú một cái!”. Nói rồi ông cười vui cùng cả đoàn hòa vào dòng người xếp hàng tiến tới cửa soát vé.

Trước khi làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vinh từng đảm đương cương vị cao nhất ở tỉnh Lào Cai - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Chính ông là người có công đầu trong việc đưa địa phương này lọt top 5 trong Bảng xếp hạng về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhiều năm liền. Giờ đây, khi nhắc đến ông, người dân ở Lào Cai vẫn dành tặng những lời trân quý.

Nhiều năm sống và làm việc ở Lào Cai, ngay cả khi đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, ông vẫn sống trong ngôi nhà khiêm nhường ở gần chợ Cốc Lếu. Ông bảo, nhà mình tuy chật, nhưng hễ có chuyện oan ức là người dân không ngại gõ cửa trình bày. Biết làm sao khi dân vẫn còn tin mình. Cách tốt nhất để đỡ phải tiếp khách kiểu này là phải cố làm thật tốt công việc mình đảm trách và tránh được cho dân bị oan ức. 

Biết tin ông về Trung ương nhậm chức Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người dân khu chợ bàn nhau tổ chức bữa cơm thân mật chia tay ông. Khi ông thắc mắc, họ nói rất đơn giản: “Nhà bác ở gần chợ, ngày ngày chúng em vẫn gặp bác, thấy bác dễ gần. Mỗi khi dân tiểu thương chợ này gặp chuyện liên quan đến chính sách, thuế má bất hợp lý, bác đều cho tìm hiểu cặn kẽ rồi có hướng xử lý rất rốt ráo và công tâm…”.

Trong một lần lên Lào Cai công tác, khi đó ông Vinh cũng đã chuyển về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi thuê xe ôm dạo quanh thành phố. Thật không ngờ, anh xe ôm này cũng biết khá rõ về cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Bùi Quang Vinh. “Đâu chỉ có dân tiểu thương chợ Cốc Lếu mới vậy. Ở cái tỉnh này, ông Vinh được dân quý và trân trọng lắm!”, anh nói.

Thật thú vị là anh xe ôm này cũng có thời gian đứng gần nhà Bí thư Vinh để chờ khách. Anh bảo, dân chợ Cốc Lếu còn quý ông Vinh là vì cả cái chuyện khác nữa. Số là nhà ông ở trước chợ, tuy cũng bị ảnh hưởng vì dân tiểu thương bày hàng ra bán, nhưng không thấy ông hay người trong nhà gọi cảnh sát khu vực hoặc Ban quản lý chợ phàn nàn, hoặc dùng cách này, cách nọ buộc người dân rời khỏi. “Những chuyện như vậy về cựu Bí thư Vinh thì nhiều lắm”, anh xe ôm tiết lộ.

Quê ở Hà Tây cũ, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, ông Vinh nhận quyết định lên Nông trường Phong Hải (thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn) công tác, sau được giao chức Giám đốc Nông trường. Năm 32 tuổi, ông trúng cử vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy và được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch tỉnh Hoàng Liên Sơn sau khi 2 năm học tại Liên Xô cũ về quản lý kinh tế.

Có lẽ chính thực tiễn đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau đã giúp ông thành công trong nhiều mặt công tác. Cũng nhờ thế nên ông có điều kiện gần gũi người dân, hiểu được mong muốn của họ và được dân quý, dân thương đến vậy…       

Tin bài liên quan