Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) tại TP.HCM

Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT) tại TP.HCM

Nhiều thách thức cho cảng biển Việt Nam

Ngày 10/9, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) đã khai mạc hội nghị thường niên với sự tham gia của 49 cảng thành viên, một số cảng khác và các hãng vận tải biển quốc tế.

Báo cáo của VPA do Chủ tịch Hiệp hội Lê Công Minh trình bày cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế một năm qua có chững lại, nhưng lượng hàng hóa xuất bằng container vẫn tăng 16% so với năm trước. Lần đầu tiên tại Việt Nam, tàu container lớn của hãng APL và MOL đã vào được cảng SP-PSA tại Thị Vải và Tân Cảng Sài Gòn Cái Mép, để chuyển hàng đi Mỹ. Hiện nay, hầu hết các tập đoàn lớn khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại nước ta. Riêng tại phía Nam , có đến 8 cảng container lớn có sự đầu tư của nước ngoài sẽ đưa vào khai thác năm 2009 - 2010.

 

Các cảng phía Bắc có tốc độ tăng trưởng khá mạnh như: Đình Vũ (78%), Đoạn Xá (43%), Transvina (26%), Hải Phòng (18%). Trong khi các cảng khu vực đồng bằng sông Cửu Long hàng hóa tăng đột biến (226%) thì khu vực TP.HCM lượng hàng hóa qua cảng chỉ đạt 59 triệu tấn, giảm đến 13%. Thống kê năm 2008, cả 49 cảng thành viên chỉ đạt gần 144 triệu tấn hàng hóa (tăng hơn 7% so với năm 2007).

 

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Vương Đình Lam cho biết, trong xu thế phát triển hiện nay cần đặc biệt chú trọng đến cảng nước sâu, nhằm tạo điều kiện kết nối với bạn bè quốc tế và “vươn ra biển lớn”. Trước mắt cần tập trung hoàn thiện các cảng trung chuyển quốc tế như Vân Phong, Vũng Tàu, Hải Phòng. Ông Lam cho hay, Chính phủ đã đồng ý giao Cục Hàng hải hoàn thiện đề án cải tạo luồng lạch, nâng cấp các cảng biển. “Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề lạc hậu về công nghệ, cơ sở hạ tầng, hiệu suất bốc xếp hàng hóa và chi phí còn cao trong hệ thống các cảng để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời” - ông Lam đề nghị.

 

Theo ông Trương Văn Thái - Phó tổng giám đốc Cảng Hải Phòng, năm nay lượng hàng hóa qua cảng này sẽ lên trên 30 triệu tấn. Tuy nhiên, cảng này gặp rất nhiều khó khăn do quy hoạch manh mún kéo dài nhiều năm nay, độ sâu của cảng không đạt, nên nhiều tàu lớn không thể vào được. Đại diện của Tân Cảng Sài Gòn cho biết, hiện nay hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt chưa phát triển đồng bộ với hệ thống cảng biển, cũng là nguyên nhân gây kẹt hàng tại các cảng. Riêng đại diện Cảng Sài Gòn cho rằng, nếu hệ thống các cảng nước sâu đồng loạt ra đời sẽ tạo ra những khó khăn mới như thiếu điện, nhân lực. Một khía cạnh khá quan trọng hiện nay, theo Tổng giám đốc Cảng Bến Nghé Nguyễn Trọng Cừu, do sự phát triển đột biến hệ thống cảng, nên hiện nay lượng lao động bốc xếp hàng hóa ở các cảng của TP.HCM thiếu trầm trọng. Đây cũng là khó khăn không dễ tháo gỡ mà các cảng cần có giải pháp lâu dài để khắc phục.