Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhiều “ông lớn” hậu cổ phần hóa dây dưa bàn giao sang công ty cổ phần

(ĐTCK) Bộ Tài chính chỉ đích danh nhiều tập đoàn, tổng công ty chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Một trong những hạn chế của quá trình cổ phần hóa đang bộc lộ, được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ ra tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, diễn ra sáng nay (21/11) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là tình trạng nhiều đơn vị chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Những đơn vị thuộc Bộ Công thương chậm quyết toán như: Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Đặc biệt rất nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chậm quyết toán như: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO), Tổng công ty cơ khí xây dựng, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam. Đặc biệt, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) được cổ phần hóa từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa.

Một tình trạng đáng quan ngại nữa, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là việc chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, lũy kế từ ngày 1/1/2017 đến tháng 11/2018, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh mới hoàn thành chuyển giao về SCIC 27/62 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước là 960 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 2.381 tỷ đồng. Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 35 doanh nghiệp, với tổng số vốn nhà nước là 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 4 bộ và 8 UBND các tỉnh, thành phố.

“Ngoài 35 doanh nghiệp lẽ ra phải chuyển giao về SCIC, nhưng đến nay các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện, còn 78 doanh nghiệp mà theo quy định trong năm 2018 không thoái được vốn, thì phải chuyển giao về SCIC, nhưng đến nay các cơ quan chức năng chưa khởi động. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng…, để sớm bàn giao các doanh nghiệp về SCIC.”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV của SCIC đề xuất. 

Để khắc phục tình trạng chậm trễ trên, Bộ Tài chính đề xuất cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa, xác định số phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hoàn thành trước ngày 31/12/2018, trường hợp không đảm bảo thời gian, thì phải báo cáo Thủ tướng và phải giải trình rõ nguyên nhân, chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng thời gian việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định. Đối với 35 doanh nghiệp thuộc danh mục bàn giao theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm điều chỉnh lại tiến độ bàn giao để hoàn thành bàn giao về SCIC trong năm 2018.

Tin bài liên quan