Ngành điện liên tiếp đón dự án BOT tỷ đô

Ngành điện liên tiếp đón dự án BOT tỷ đô

Lễ ký thoả thuận đầu tư Dự án Nhiệt điện Nam Định theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) giữa Công ty TNHH Điện lực Taekwang (Hàn Quốc), Công ty ACWA Power (Arab Saudi) với Bộ Công thương mới đây đang mở ra triển vọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.

Trước đó, vào ngày 31/12/2015, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng tình hình triển khai dự án sau khi đã kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ và đề nghị cho ký thoả thuận đầu tư. Theo kế hoạch, sau lễ ký thoả thuận đầu tư Dự án, chủ đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong quá khứ, Dự án  BOT Nam Định có tổng quy mô 2.400 MW gồm 4 tổ máy được Chính phủ chấp thuận cho Công ty Teakwang (Hàn Quốc) là nhà phát triển dự án. Tiếp đó vào tháng 1/2010, hai đối tác để thực hiện dự án BOT Nam Định công suất 2.400 MW, với quy mô vốn đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD đã lộ diện là Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh (Hashinco) và Công ty CP Taekwang Vina Industrial Hàn Quốc.

Do những biến động ngoài ý muốn, tới tháng 6/2015, các nhà đầu tư được chốt lại để triển khai dự án này là Công ty TNHH Điện lực Taekwang (Hàn Quốc) và Công ty ACWA Power (Arab Saudi) thay cho tổ hợp nhà đầu tư Công ty TNHH Điện lực Taekwang và Công ty TNHH Điện lực Đông Tây Hàn Quốc (Korea East West Co Ltd). Giai đoạn 1 của BOT Nam Định sẽ có quy mô 1.200 MW.

Hiện chưa thể xác định được thời điểm chính xác Dự án BOT Nam Định 1 sẽ khởi công xây dựng nhà máy chính. Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, Công ty Janakuasa, nhà phát triển Dự án BOT Duyên Hải 2 sau khi ký tắt các thoả thuận liên quan để triển khai dự án vào cuối tháng 12/2014 cũng đã nhanh chóng trình hồ sơ lên xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 1/2015 và tới tháng 9/2015 nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo thông lệ, nhà đầu tư sẽ có 1 năm hoàn tất thu xếp tài chính, để đủ điều kiện khởi công công trình. Tuy nhiên, từng có nhà đầu tư BOT điện phải mất đôi ba năm mới xong việc thu xếp tài chính.

Dẫu vậy, hoàn tất đàm phán của Dự án BOT Nam Định giai đoạn 1 hứa hẹn sẽ có thêm 2 tỷ USD đổ vào ngành điện ngay trong năm 2016.

Không chỉ kỳ vọng với BOT Nam Định, theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), hiện Dự án BOT Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư 2,208 tỷ USD cũng đã kết thúc quá trình thảo luận để hoàn thiện các tài liệu liên quan đến dự án. “Dự kiến, trong quý I/2016,  sẽ hoàn tất các hồ sơ liên quan và triển khai ký Thỏa thuận đầu tư để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài khác được đổ tiếp vào ngành điện ngay trong năm 2016.

Nhưng vận tốt của các dự án BOT có vốn nước ngoài chưa dừng lại đó. Thông tin mới nhất từ Dự án BOT Hải Dương, quy mô 2,258 tỷ USD cho hay, nhà đầu tư đang hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị đóng tài chính cho Dự án. Dự kiến, việc thu xếp tài chính sẽ hoàn tất vào ngày 31/1/2016.

Sau khi hoàn tất thu xếp tài chính, Dự án BOT Hải Dương sẽ chính thức khởi công xây dựng nhà máy. Hiện kế hoạch được đặt ra là tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại vào tháng 12/2019 và tổ máy số 2 vào tháng 6/2020.

Xét về tổng thể, trong năm 2016, ngành điện hứa hẹn trở thành tâm điểm đầu tư của nền kinh tế khi có thêm 4,5 tỷ USD vốn đầu tư mới được đăng ký thông qua việc Dự án BOT Nam Định và BOT Nghi Sơn 2 nhận được Giấy chứng nhận đầu tư. Cạnh đó là sự góp vui từ Dự án BOT Duyên Hải 2 và Dự án BOT Hải Dương đều có quy mô trên 2 tỷ USD mỗi dự án, hoàn tất thu xếp tài chính và chuyển sang khởi công xây dựng nhà máy chính. 

Sự có mặt của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nguồn điện thông qua hàng loạtdự án tỷ đô sắp khởi công hoặc sắp được cấp phép đầu tư cũng giúp chia sẻ gánh nặng đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước trong ngành năng lượng, mà chủ đạo là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Vào năm 2015, lần đầu tiên, ngành điện có mức dự phòng công suất hệ thống 20% nhờ nỗ lực đầu tư với nhịp độ lớn trong giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không giữ được nhịp độ đầu tư, mức dự phòng công suất này cũng nhanh chóng không còn, đặc biệt trong điều kiện kinh tế đang phát triển mạnh cùng cơ hội mở ra từ hội nhập mạnh mẽ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi chủ trì họp về Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 vào đầu tuần này cũng đã nhấn mạnh, năng lượng, trong đó có điện, than có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước. “Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng mà không bảo đảm đủ năng lượng thì sẽ khó có thể thực hiện được; đây là hạ tầng kinh tế-xã hội có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.

Với yêu cầu này, việc thu hút được hàng tỷ đô la vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện không chỉ góp phần đảm bảo nhu cầu điện cho nền kinh tế mà còn cho thấy ngành điện đang bước theo đúng quy luật của thị trường.

Tin bài liên quan