Không ít nhân viên ngân hàng cho rằng công việc hiện nay rất áp lực và đầy rủi ro. Ảnh minh họa.

Không ít nhân viên ngân hàng cho rằng công việc hiện nay rất áp lực và đầy rủi ro. Ảnh minh họa.

Ngân hàng tung đãi ngộ hấp dẫn tuyển nhân viên

Các ngân hàng gần đây rầm rộ tuyển nhân sự, có nơi chiêu mộ cả nghìn người kèm các chính sách đãi ngộ lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. 

Mới đây, Ngân hàng Nam Á cho biết năm 2019, nhà băng này mạnh tay chiêu mộ 2.000 nhân sự trên toàn quốc nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu mở rộng mạng lưới và phát triển kinh doanh các vị trí từ cấp chuyên viên đến quản lý. 

Trước đó, ngày 25/2, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank cũng thông báo tuyển dụng 800 chỉ tiêu cho các phòng giao dịch, chi nhánh khắp cả nước. Các vị trí được tập trung chiêu mộ lần này là chuyên viên khách hàng cá nhân, doanh nghiệp; chuyên viên tư vấn, giao dịch viên...

Trong khi đó tại Ngân hàng Quốc tế - VIB còn có nguyên cả chiến dịch tuyển dụng nhân sự bằng những chế độ đãi ngộ tốt với mức lương chi trả cao nhất tới gần 100 triệu đồng mỗi tháng.

Để khởi động cho đợt "tuyển quân" năm 2019, tuần qua ngân hàng đã công bố kế hoạch tìm kiếm ứng viên cho hơn 250 vị trí, làm việc tại Hà Nội, TP HCM và gần 30 tỉnh, thành. 

Ở các ngân hàng khác như Techcombank, Vietcombank, HDBank..., chiến dịch "săn người" cũng đang triển khai rầm rộ với quy mô từ vài chục đến hàng trăm người cho các điểm giao dịch trên toàn quốc.

Nhìn nhận diễn biến trên, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho rằng, việc tuyển dụng lớn này của các ngân hàng là nhằm phục vụ cho sự mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

"Việc tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng thường diễn ra quanh năm, song mùa đầu năm, nhất là quý I rầm rộ nhất bởi đây là giai đoạn đầu mùa kinh doanh", vị lãnh đạo ngân hàng nói.

Tại một khảo sát mới đây của Vụ Dự báo thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước thì năm 2019 dự kiến có đến hơn 76,7% các tổ chức tín dụng có kế hoạch tuyển dụng thêm nhân sự.

Giới chuyên gia ngân hàng đưa ra nhiều lý giải cho diễn biến này. Thứ nhất, là do "làn sóng" di chuyển nhân sự giữa các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ bởi yếu tố lương, thưởng.

Trong đó, những ngân hàng tầm trung đang chịu ảnh hưởng lớn nhất. Bởi nhân viên tại các ngân hàng này thường có xu hướng hoặc là chuyển qua các ngân hàng lớn hoặc các ngân hàng nhỏ hơn nhưng chế độ lương thưởng cao hơn.

Theo thông tin từ đại diện VIB, năm qua thu nhập trung bình cán bộ tín dụng, nhân viên dịch vụ khách hàng của ngân hàng này tới 58 - 68 triệu đồng mỗi tháng, có nhân viên xuất sắc thu nhập 97 triệu đồng... Ngoài ra, VIB còn dành 175 tỷ đồng cổ phiếu thưởng cho nhân viên.

Tương tự, với Nam A Bank, ông Lê Huỳnh Hoa - Giám đốc nhân sự của ngân hàng cho rằng, hàng tháng ngoài mức lương cơ bản, nhân viên các bộ phận kinh doanh luôn được tham gia nhiều chương trình với những chính sách hấp dẫn để tăng năng suất và thu nhập. Với nhiều nhân viên, mức lương kinh doanh lên đến hàng trăm triệu là chuyện bình thường.

Ông Hoa cũng nhấn mạnh mức thu nhập hàng trăm triệu này là của nhân viên chứ không phải lãnh đạo ngân hàng. Dịp Tết vừa qua, lãnh đạo nhà băng này cũng từng chia sẻ, năm 2018 ngân hàng đã có 2 đợt tăng lương cho nhân viên, ngoài ra còn có chế độ thưởng Tết cao nhất từ trước tới nay.

Nguyên nhân thứ hai khiến các nhà băng ồ ạt tuyển dụng có thể là do áp lực chỉ tiêu KPI. Hiện nay hầu như ngân hàng nào cũng áp chỉ tiêu kinh doanh cao, nếu ai không đáp ứng được thì phải ra đi.

Do vậy, vị trí nhân viên kinh doanh thường biến động rất mạnh nên việc tuyển dụng cũng diễn ra thường xuyên.

Ngoài ra, các ngân hàng đang tồn tại sự bất hợp lý ở bộ phận giao dịch viên và quan hệ khách hàng. Thường những vị trí này đòi hỏi người phải có kinh nghiệm đảm trách mới chăm sóc khách hàng tốt được.

Nhưng cái khó của các ngân hàng là nhân sự có kinh nghiệm lại không làm vị trí này do lương thấp lại áp lực nên buộc phải giao cho các sinh viên mới ra trường - những người rất non kinh nghiệm. Đây cũng là lý do khiến cho bộ phận này biến động nhân sự rất lớn.

Tin bài liên quan