Tăng giá các mặt hàng cơ bản đang tạo sức ép gây ra lạm phát.

Tăng giá các mặt hàng cơ bản đang tạo sức ép gây ra lạm phát.

Nền kinh tế phải “chịu trận”

Nỗi lo về lạm phát trong năm nay đang có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Chúng tôi đã phỏng vấn tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright xung quanh vấn đề này.

Chỉ số CPI tháng Tết bao giờ cũng tăng cao hơn các tháng trong năm, năm nay cũng không phải ngoại lệ, nhưng thực tế, việc tranh cãi về CPI năm nay lại rất gay gắt. Ông lý giải thế nào về việc này?

 

Tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng đạt đỉnh điểm vào đầu quý 4 năm trước. Thường có một độ trễ từ 5-7 tháng giữa CPI và các biến số tiền tệ này. Nếu mô thức này được lặp lại thì CPI so với cùng kỳ năm trước sẽ ở mức cao nhất vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm nay. Nếu biết như thế thì thời điểm tăng tỷ giá, giá điện, nước, xăng dầu... nên tránh giai đoạn đỉnh điểm này.

 

Trên thực tế, tất cả những điều chỉnh về giá này gần như có cùng điểm rơi, vì vậy chắc chắn sẽ cộng hưởng với nhau trong việc gây áp lực tăng CPI. Rõ ràng là đã thiếu sự nhạy cảm và phối hợp trong điều hành chính sách. Hệ quả là nền kinh tế phải “chịu trận” ngay từ những tháng đầu năm. Lẽ ra đã có thể dàn trải gánh nặng này, mỗi lúc điều chỉnh một thứ thay vì giáng một “đòn” rất mạnh cho nền kinh tế. Có lẽ đây là những lý do khiến các tranh luận về CPI năm nay gay gắt hơn

 

Tranh luận xoay quanh việc chúng ta có giữ được chỉ tiêu CPI 7% trong năm nay hay không, khi mà hàng loạt các mặt hàng cơ bản như ông vừa nói đã chính thức tăng giá. Quan điểm của ông như thế nào?

 

Điều then chốt là tín dụng được phân bổ cho ai, hiệu quả như thế nào. Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ 20% nhưng toàn bộ được dành cho khu vực kém hiệu quả thì lạm phát là điều cầm chắc

Ông Vũ Thành Tự Anh

Mọi dự báo CPI 2010 đều phải dựa vào một số giả định về quỹ đạo chính sách. Nếu chính sách vẫn như năm 2009, tức là vẫn có sự mở rộng về tài khóa và tiền tệ để tăng trưởng cao thì việc giữ CPI ở mức 7% là hoàn toàn không hiện thực. Không những thế CPI sẽ ở mức 2 con số, đe dọa tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

 

Trên thực tế, có vẻ như 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái. Có lẽ NHNN đã thấy được mối đe dọa, rình rập của lạm phát nên chủ động thắt chặt tiền tệ. Nếu thắt chặt tiền tệ, giữ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% thì CPI 2010 sẽ không cao, tuy khó thấp hơn 7% nhưng cũng sẽ không vượt quá 10% - tức là chưa đến mức nguy hiểm cho một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

 

Nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp (DN) đang rất cần vốn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh thì chúng ta lại phải tiết chế nguồn cung tín dụng để thực hiện chỉ tiêu lạm phát. Theo ông, bài toán này phải giải quyết như thế nào?

 

Vấn đề không thuần túy nằm ở mức tăng trưởng cung tiền hay tín dụng mà điều then chốt là tín dụng được phân bổ cho ai, hiệu quả như thế nào.

 

Nếu tăng trưởng tín dụng chỉ 20% nhưng toàn bộ được dành cho khu vực kém hiệu quả thì lạm phát là điều cầm chắc. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng 30% được dành cho khu vực hiệu quả nhất của nền kinh tế thì có thể tạo ra tăng trưởng cao, đồng thời không gây sức ép lạm phát.

 

 Nguyên lý thì rất đơn giản, đồng vốn phải được phân bổ vào nơi có thể sử dụng chúng hiệu quả nhất, nhờ đó tạo ra tăng trưởng cao nhất và hạn chế sức ép lên lạm phát ít nhất.

 

Ông đánh giá thế nào về phân bổ tín dụng của ta hiện nay?

 

Tôi cho rằng cơ chế phân bổ tín dụng của ta chưa đạt được điều này. Trên thực tế, các DN nhà nước vẫn được hưởng thiên vị rất lớn trong việc tiếp cận với nguồn vốn, tín dụng. Ngay cả khi nền kinh tế hết sức khó khăn thì một số ngân hàng thương mại quốc doanh được tái cấp vốn tới 18.000 tỷ đồng, một số tập đoàn nhà nước được vay ưu đãi hàng trăm triệu đôla. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, tín dụng đang cần tiết giảm thì việc phân bổ hiệu quả nguồn vốn và tín dụng càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

 

Theo ông, có nhất thiết phải đưa ra các chỉ tiêu về lạm phát, về tăng trưởng, rồi phải chạy theo các chỉ tiêu này khiến mọi việc rối lên…

 

Với hệ thống quản lý kinh tế như hiện nay của Việt Nam thì việc sử dụng các chỉ tiêu là điều khó tránh. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này cần có cơ sở kinh tế hợp lý và chỉ nên có tính định hướng. Nếu không thì việc đưa ra chỉ tiêu cũng giống như việc tự đặt vòng kim cô lên đầu mình khi biết rằng vòng kim cô đó sẽ siết rất chặt và do vậy nhiều khả năng cần phải dỡ bỏ trong tương lai. Nguy hiểm hơn, việc điều chỉnh chỉ tiêu liên tục làm tăng rủi ro chính sách và giảm niềm tin vào việc điều hành kinh tế của Nhà nước.

 

Không những thế, với tình trạng kém hiệu quả của nền kinh tế như hiện nay, thì nhiệm vụ lèo lái chính sách để vừa đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao, vừa giữ được chỉ tiêu lạm phát thấp gần như là một nhiệm vụ bất khả thi.

 

Sự “giằng co” giữa hai chỉ tiêu này có thể khiến chính sách lúc thì uốn theo chỉ tiêu tăng trưởng, khi lại chạy theo chỉ tiêu lạm phát, do vậy tạo ra nhiều sự méo mó và bất trắc. Kết quả là mục tiêu thì chưa chắc đạt được, nhưng lại có thể gây ra bất ổn vĩ mô, làm môi trường kinh doanh không nhất quán, gây bất lợi cho các DN trong hoạt động kinh doanh của mình.

 

Ông đánh giá thế nào về khó khăn và thuận lợi của các DN trong năm nay?

 

Việc kinh tế trong nước và thế giới phục hồi, tăng trưởng cao hơn thì rõ ràng, quy mô của thị trường sẽ lớn hơn, cơ hội kinh doanh sẽ tốt hơn. Đây là điểm thuận lợi.

 

Còn mặt không thuận lợi là những hỗ trợ của năm ngoái (miễn, giảm, giãn thuế và hỗ trợ lãi suất chẳng hạn) sẽ không còn nữa. DN phải tự đứng trên đôi chân của chính mình, trong khi lại phải đối mặt với các rủi ro mà tôi vừa phân tích thì rõ ràng là không hề dễ dàng.

 

Nếu bài toán về thanh khoản, rủi ro tỷ giá, và lạm phát không được giải quyết một cách thỏa đáng thì DN sẽ phải chứng kiến nhiều sự bấp bênh trong môi trường kinh doanh của mình. Có lẽ đây sẽ là khó khăn lớn nhất của DN trong năm 2010.