“Chạy” đúng kịch bản
Số liệu đã chính thức được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tuần qua. Đó là tăng trưởng GDP quý II ước đạt 6,71%. Với kết quả này, cộng thêm việc sau khi tính toán lại, GDP quý I tăng trưởng 6,82%, chứ không phải chỉ là 6,79% như con số ước tính trước đó, thì tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%.
Bình luận về con số trên, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, đó là mức tăng trưởng khá, cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được duy trì.
Trong khi đó, ở góc độ cơ quan thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, đến mức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế thế giới đang ở thời kỳ “bất trắc cao”, thì mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như vậy là khá tích cực.
“Con số 6,76% tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017. Kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ ban hành để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng”, ông Lâm nói.
Số liệu thống kê cho thấy, trong vòng 9 năm qua, ngoại trừ 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GDP vượt 7% (7,05%), tất cả các năm còn lại, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ quanh quẩn mức 5-6%. Thậm chí, 6 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 4,93%. Con số này của 6 tháng đầu năm 2013 thậm chí chỉ còn 4,9%.
Đưa ra các con số so sánh trên để thấy, mức tăng trưởng 6,76% của nửa đầu năm 2019 là tích cực. Thậm chí, nếu so sánh với kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 vừa qua, thì có thể thấy rất rõ, nền kinh tế đang “chạy” theo đúng kịch bản đã định.
Cụ thể, theo kịch bản này, tăng trưởng GDP quý II sẽ là 6,7%; 6 tháng là 6,74%. Tuy nhiên, do sau khi tính toán lại, tăng trưởng GDP quý I cao hơn con số ước tính, tăng trưởng GDP quý II cũng cao hơn 0,01 điểm phần trăm so với kịch bản, nên tăng trưởng GDP cũng cao hơn con số trong kịch bản 0,02 điểm phần trăm. Sự chênh lệch là không lớn, nhưng cũng đủ cho thấy, nền kinh tế đang diễn biến theo xu hướng thuận lợi hơn so với dự kiến.
Xu hướng thuận lợi đó còn có thể được chứng minh qua một vài con số. Chẳng hạn, tăng trưởng xuất khẩu sau 6 tháng đã đạt mức 7,3%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng đã chạm được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8% mà Quốc hội đã quyết nghị. Đặc biệt, xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên trong 6 tháng đầu năm đã đạt mức trên 2 tỷ USD. Thêm vào đó, cán cân thương mại cũng dần trở lại cân bằng, với nhập siêu trong 6 tháng chỉ còn 34 triệu USD, trong đó riêng trong tháng 6, xuất siêu 400 triệu USD.
Ở một góc độ khác, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá, đạt 8,93%, đóng góp 51,8% vào mức tăng trưởng chung, cao hơn dự kiến kịch bản tăng trưởng (8,88%). Trong sản xuất công nghiệp, thì sau 3 năm giảm liên tiếp, ngành khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 1,78%.
Chưa kể, các thông tin về thu hút đầu tư nước ngoài, kiểm soát lạm phát, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng góp phần làm tích cực thêm bức tranh kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2019.
Thách thức “bứt phá”
Xu hướng là tích cực, tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất được đặt ra lúc này là, liệu cả năm, tăng trưởng GDP sẽ ở mức bao nhiêu, liệu có thể đạt được mục tiêu 6,8% hay không?
Một cách lạc quan, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, mục tiêu này, thậm chí mức tăng trưởng tới 6,9%, là “khả thi”. Bởi lẽ, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng nhanh bằng năm 2018, nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao.
“Các doanh nghiệp khá lạc quan về tình hình sản xuất - kinh doanh của mình. Theo kết quả khảo sát, có 83,5% doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh quý II khả quan hơn quý I và 88,6% tin là quý III hơn quý II”, ông Hùng nói.
Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cũng đồng tình với quan điểm này. Vị chuyên gia này nói, sẽ không quá khó khăn để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm nay. Tuy nhiên, cái khó là làm sao để nền kinh tế có thể bứt phá, đạt mức tăng trưởng cao hơn, trên 7%, tương tự năm ngoái.
“Khó trông vào sản xuất công nghiệp, bởi năng lực sản xuất của nhiều dự án đã tới hạn. Nhiều khả năng sẽ phải trông chờ vào các dự án đầu tư quy mô lớn. Hiện nay, cả cầu trong nước và cầu nước ngoài đều khó khăn, do vậy cầu đầu tư có thể sẽ góp phần quan trọng để tạo sự bứt phá cho nền kinh tế”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Bích Lâm đã nhắc đến việc công nghiệp chế biến, chế tạo khó tăng cao trong 6 tháng cuối năm, như cuối năm 2018. Thêm vào đó, một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực cũng không còn duy trì đà tăng trưởng cao như trước.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã xác định năm 2019 là năm bứt phá, với mong muốn năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến. Do vậy, thách thức hiện nay là làm sao để nền kinh tế thực sự bứt phá.
Tháng 5/2019, khi báo cáo Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến những kỳ vọng vào sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ. Theo đó, nếu bối cảnh thuận lợi, nhất là việc đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt mức cao (trên 7,2%), thì tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế cả năm có khả năng vượt mục tiêu đề ra, đạt mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với năm 2018 (7,08%).
Trong 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ ước tăng trưởng 6,69%, tuy đóng góp 42,2% vào mức tăng trưởng chung, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,89% của 6 tháng năm ngoái. Như vậy có nghĩa, ngành kinh tế này cũng mới chỉ duy trì đà tăng trưởng ổn định. Muốn bứt phá, cần phải nỗ lực lớn hơn nữa.