Nặng gánh tài chính Dự án BOT Quốc lộ 19, doanh nghiệp dự án có thể phá sản

Mới qua chưa đầy một phần tư vòng đời, nhưng Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai đã thực sự trở thành gánh nặng quá sức cho cả nhà đầu tư, ngân hàng, lẫn các cơ quan quản lý nhà nước.
Trạm thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19, đoạn qua tỉnh Bình Định và Gia Lai.

Trạm thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19, đoạn qua tỉnh Bình Định và Gia Lai.

Sai sót chất chồng

Sau 4 tháng tiến hành thanh tra, đầu tháng 1/2020, Bộ Giao thông - Vận tải đã công bố kết luận thanh tra Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai (Dự án BOT Quốc lộ 19).

Đây là công trình do Tổng công ty 36 - CTCP là nhà đầu tư, Công ty TNHH BOT 36.71 đóng vai trò là doanh nghiệp dự án. Đơn vị thực hiện chức năng đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ban Quản lý dự án 5 trong giai đoạn thực hiện Dự án và Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong giai đoạn khai thác.

Do trong năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán Dự án BOT Quốc lộ 19 với phạm vi từ khi triển khai Dự án đến ngày 31/3/2016 (thời điểm bắt đầu đưa vào khai thác), nên Bộ Giao thông - Vận tải chỉ thanh tra 3 nội dung: công tác hoàn thành, quyết toán dự án; chất lượng thi công và khai thác dự án; quản lý thu phí và khai thác từ ngày 1/4/2016 đến thời điểm thanh tra.

Mặc dù là nhà thầu, nhà đầu tư lớn, có uy tín trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng tại dự án này, Tổng công ty 36 và Công ty TNHH BOT 36.71 đã vấp phải khá nhiều sai sót.

Tồn tại đầu tiên được Bộ Giao thông - Vận tải chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 353/KL - BGTVT chính là công tác quản lý chất lượng tại Dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án BOT Quốc lộ 19 được nghiệm thu cơ sở, đưa vào khai thác, sử dụng tháng 4/2016. Tại thời điểm này, kết quả báo cáo của đơn vị tư vấn kiểm định độc lập cho thấy, tất cả các hạng mục đều đạt yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, theo Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình, Dự án còn khá nhiều tồn tại, hư hỏng, một số đoạn chưa đảm bảo chất lượng; mặt đường một số đoạn bị rạn nứt, bong bật, hư hỏng, sơn kẻ đường bị mờ, mất vật liệu, đặc biệt là đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bình Định.

Tại thời điểm tháng 8/2019, theo ghi nhận của đoàn Thanh tra, Dự án vẫn tiếp tục hư hỏng, chưa được các đơn vị thi công tiến hành sửa chữa bảo hành công trình như: mặt đường bị rạn nứt, một số vị trí hằn lún vệt bánh xe, bong tróc, ổ gà, vạch sơn kẻ đường hư hỏng, gồm: đoạn tuyến qua tỉnh Gia Lai (Km108+00 ÷ Km131+300) có diện tích hư hỏng lên tới 14.505 m2 và 516,59 m2 vạch sơn kẻ đường; đoạn tuyến Km17+054 ÷ Km50+00 có diện tích hư hỏng lên tới 35.700 m2, 1.191,6 m2 vạch sơn kẻ đường.

Ngoài một số lý do khách quan như quãng thời gian thi công Dự án kéo dài khoảng 24 tháng, nhưng khu vực tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên có 9 - 12 tháng là mùa mưa, nên việc triển khai thi công gặp nhiều khó khăn; chất lượng đá cấp phối, đá sản xuất bê tông nhựa không đảm bảo theo tiêu chuẩn… công tác quản lý, kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp dự án chưa thực sự chuyên nghiệp cũng dẫn đến xuất hiện nhiều hư hỏng khi đưa công trình vào khai thác.

Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định, công tác thi công tại Dự án BOT Quốc lộ 19 đã được thực hiện trước khi ký hợp đồng xây lắp, trước khi Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trước khi ký Hợp đồng BOT là chưa phù hợp quy định. Một số gói thầu thậm chí còn tổ chức thi công khi chưa phê duyệt bản vẽ thi công, trước khi lựa chọn nhà thầu, trước khi ký hợp đồng xây lắp, một số hạng mục thi công không có tư vấn giám sát kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng; thi công trước thời điểm được cơ quan nhà nước cấp phép.

“Đặc biệt, Ban Quản lý dự án  5 là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện việc chấp thuận Hồ sơ mời thầu do nhà đầu tư lập, nhưng tham gia đấu thầu và trúng thầu làm công tác tư vấn giám sát là chưa đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Gánh nặng tài chính

Công tác quản lý tài chính của nhà đầu tư cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp tại Dự án BOT Quốc lộ 19 khi Công ty TNHH BOT 36.71 là doanh nghiệp dự án, song công tác quản lý vốn chưa phải là đơn vị hạch toán độc lập.

Theo báo cáo, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty 36 góp đến ngày 17/10/2014 là  279,186 tỷ đồng. Ngay sau khi góp vốn, nhà đầu tư đã rút toàn bộ vốn và thực hiện góp từng đợt cùng với giải ngân của nguồn vốn vay theo tỷ lệ tương ứng. Toàn bộ quá trình góp vốn của nhà đầu tư tại Dự án BOT Quốc lộ 19 đều được thực hiện bằng tiền mặt. Trong khi đó, Điều 6, Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ đã quy định việc giao dịch bằng tiền mặt đối với các hợp đồng góp vốn, mua bán và chuyển nhượng phần vốn góp của doanh nghiệp là không được phép. Mặc dù thời hạn bảo hành công trình từ 12 đến 42 tháng (tùy thuộc vào gói thầu), song đến thời điểm thanh tra doanh nghiệp dự án còn nợ các nhà thầu là 59,15 tỷ đồng.

Theo hợp đồng tín dụng với Ngân hàng VietinBank, thời hạn cho vay dự án là 13 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, trong khi đó, thời gian hoàn vốn theo phương án tài chính của phụ lục Hợp đồng BOT là 20 năm 6 tháng 19 ngày. Điều này sẽ đẩy doanh nghiệp dự án và nhà tài trợ vốn đứng trước nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền, nhất là trong bối cảnh Dự án BOT Quốc lộ 19 liên tục hụt doanh thu thu phí so với phương án tài chính.

Những khiếm khuyết về chất lượng công trình hiện vẫn nằm trong tầm kiểm toán của nhà đầu tư, do hầu hết các gói thầu tại Dự án BOT Quốc lộ 19 đang còn bảo hành, nhưng những tồn tại về tài chính lại thực sự là gánh nặng quá sức cho các bên liên quan trực tiếp tới công trình BOT được đánh giá là quá “lam lũ” này.

Tại thời điểm đoàn Thanh tra gửi báo cáo tới Bộ Giao thông - Vận tải (ngày 3/1/2020), giá trị dự án nhà đầu tư đề nghị quyết toán là 1.411,287 tỷ đồng, nhưng số kinh phí mà Bộ GTVT chấp thuận quyết toán chỉ là 1.257,222 tỷ đồng.

Như vậy, Dự án vẫn còn gần 154,065 tỷ đồng chưa thỏa thuận quyết toán, trong đó, chi phí thiết bị khoảng 32,3 tỷ đồng, gồm công nghệ thu phí không dừng và trạm cân tải trọng xe do chưa đủ thủ tục pháp lý; chi phí lãi vay là 84,166 tỷ đồng do chưa xác định được mức lãi suất và các điều khoản quyết toán lãi vay; chi phí quản lý dự án là 27,932 tỷ đồng do còn có quan điểm khác nhau giữa kiến nghị của nhà đầu tư với quy định của Bộ Xây dựng.

Điều đáng lo ngại là hiện nay, số thu thực tế tại Dự án không đủ để trả lãi ngân hàng. Trái với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính (từ năm 2018 đến nay chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%).

Do doanh thu không đủ trả nợ gốc và lãi ngân hàng, nên tính từ ngày 1/6/2016 - thời điểm Dự án thu phí hoàn vốn, cho đến ngày 30/9/2018, Tổng công ty 36 (công ty mẹ) đã phải bù hơn 91 tỷ đồng tiền thiếu hụt cho doanh nghiệp dự án là Công ty BOT 36.71 để trả lãi ngân hàng. Nếu cộng cả khoản lỗ phát sinh trong năm 2015 - 2016 lên tới 44,6 tỷ đồng, gánh nặng tài chính mà Tổng công ty 36 đang phải gánh lên tới 135,6 tỷ đồng, tương đương 13% tổng mức đầu tư Dự án.

Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, từ ngày 1/6/2016 đến ngày 31/5/2019, do Dự án đã thế chấp với ngân hàng vay vốn đầu tư, nên hiện nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng để bù đắp các khoản thiếu hụt.

Điều đáng quan ngại là tình hình tài chính tại Dự án BOT Quốc lộ 19 dự báo vẫn tiếp tục u ám do lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến đường từ Tây Nguyên xuống vùng duyên hải Nam Trung bộ thấp rất xa so với dự báo trong phương án tài chính. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp dự án không được phép tăng mức phí sử dụng đường bộ, dù đây là điều khoản được xác lập trong hợp đồng BOT đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng khiến tình trạng hụt thu càng thêm trầm trọng.

Được biết, vào giữa tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VietinBank được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36. Đây là khoản tín dụng trị giá 995 tỷ đồng mà VietinBank đã giải ngân cho Tổng công ty 36 để thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 19 trong giai đoạn 2013 - 2015.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT Quốc lộ 19 có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư duy nhất (Tổng công ty 36) là 279,5 tỷ đồng; phần còn lại là vốn vay thương mại. Theo hợp đồng BOT được ký kết với Bộ Giao thông - Vận tải, nhà đầu tư được phép thu phí để hoàn vốn cho Dự án trong vòng 20 năm 6 tháng 19 ngày. Tuy nhiên, do doanh thu không đủ để trả nợ gốc và lãi vay, nên Dự án BOT Quốc lộ 19 coi như không xác định được thời điểm hoàn vốn.

“Nếu không giải quyết được các tồn tại về tài chính nói trên, doanh nghiệp dự án chắc chắn sẽ bị phá sản, để lại nhiều hệ lụy xấu cho xã hội”, ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết.

Trong Kết luận số 353/KL - BGTVT, Bộ Giao thông - Vận tải đã giao các vụ: Tài chính, Đối tác công - tư tham mưu Bộ xử lý những vướng mắc, tồn tại của Dự án theo kiến nghị của Ban Quản lý dự án 5 và nhà đầu tư; hoàn tất công tác quyết toán Dự án và các thủ tục pháp lý của Dự án, hợp đồng.

“Kết quả thực hiện Kết luận thanh tra các đơn vị có liên quan báo cáo bằng văn bản gửi về Bộ GTVT trước ngày 30/3/2020”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo.

Tin bài liên quan