Năm 2019, mức lương tối thiểu vùng cao nhất là 4.180.00 đồng. Ảnh minh họa.

Năm 2019, mức lương tối thiểu vùng cao nhất là 4.180.00 đồng. Ảnh minh họa.

Năm 2019, tiếp tục xem xét kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2019, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá, xem xét để đề xuất phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu năm 2020.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri đề nghị tăng mức lương tối thiểu vùng vì hiện nay lương của công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp còn thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Trả lời vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, theo quy định tại Điều 91 của Bộ luật LĐ-TB&XH thì mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Căn cứ quy định trên, từ năm 2013 đến năm 2019, hàng năm Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã phân tích, đánh giá thực tế, thương lượng, thống nhất phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và khuyến nghị với Chính phủ công bố mức điều chỉnh: năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%.

Từ ngày 1/1/2019, mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ: Vùng I là 4.180.000 đồng/tháng, vùng II là 3.710.000 đồng/tháng, vùng III là 3.250.000 đồng/tháng, vùng IV là 2.920.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường. Các mức lương khác (trả cho người lao động làm công việc yêu cầu qua đào tạo) thì thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế trả lương của người sử dụng lao động.

Vì vậy, để nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động thì cần phải nâng cao năng lực, chất lượng thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động, của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở với người sử dụng lao động.

Trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các thành viên trong Hội đồng tiền lương quốc gia đánh giá mức sống tối thiểu, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu năm 2020, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Tin bài liên quan