Năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công đạt 88% kế hoạch

Tính đến ngày 15/12/2019, vốn đầu tư công giải ngân đạt 61,8% kế hoạch (khoảng 255.088 tỷ đồng). “Với tiến độ giải ngân như hơn 2 tháng vừa qua, dự báo giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2019 đạt 88% kế hoạch”, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết.
Ông Trần Mạnh Hà

Ông Trần Mạnh Hà

Ngoài thực tế giải ngân vốn đầu tư công 3 - 4 tháng cuối năm thường cao hơn những tháng đầu năm, theo ông, vì sao tiến độ giải ngân những tháng cuối năm nay cải thiện rõ rệt?

Động lực lớn nhất thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tăng rất mạnh kể từ tháng 10 trở lại đây là Nghị quyết 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.

Trước thực tế tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt rất thấp, thấp xa so với kế hoạch và thấp hơn cả cùng kỳ các năm trước, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư - kinh doanh và các hiệp định đã ký kết, đến việc huy động các nguồn vốn xã hội khác để đầu tư kết cấu hạ tầng và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ, Kho bạc Nhà nước đã tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 94/NQ-CP.

Nghị quyết này đặt ra rất nhiều giải pháp phù hợp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, như Bộ Tài chính tiếp tục rà soát thủ tục giải ngân nhằm tạo thuận lợi cho chủ đầu tư thanh, quyết toán vốn đầu tư công năm 2019; tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, cập nhật thông tin giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019. Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 cho dự án có quyết định chuẩn bị đầu tư sau ngày 31/10/2018.

Một trong những lực cản khiến giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ rất chậm là yêu cầu các dự án phải tiết kiệm 10%. Để tháo gỡ, Chính phủ đã cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án đối với dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Nhờ các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và những giải pháp nêu trên, nên sau khi Nghị quyết 94/NQ-CP được ban hành, tiến độ giải ngân cải thiện rõ rệt. Trong 3 tháng vừa qua, giải ngân được hơn 100.000 tỷ đồng, bằng gần 40% tổng vốn giải ngân từ đầu năm đến nay.

Với tiến độ như hiện nay, chúng tôi dự báo, đến hết ngày 31/1/2020, tức là hết kế hoạch thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc niên độ ngân sách năm 2019, sẽ giải ngân đạt 88% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, tăng khoảng 6% so với năm 2018.

Như vậy, vẫn còn 12% vốn đầu tư công năm 2019 không giải ngân hết. Số tiền này xử lý thế nào?

Với những dự án được phép kéo dài thời gian giải ngân đến ngày 31/12/20120 theo Luật Đầu tư công, thì chuyển nguồn sang năm 2020 giải ngân tiếp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong nội bộ bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, một giải pháp mạnh nữa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 từ dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không hết số vốn được giao cho dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt, bảo đảm hiệu quả đầu tư trên cơ sở đề xuất của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 của những dự án giải ngân chậm, không có khả năng thực hiện sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn, có nhu cầu bổ sung vốn hoặc dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư, bao gồm cả những dự án có quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2018 có khả năng giải ngân trong năm 2020, nếu được phép kéo dài thời gian giải ngân đến ngày 31/12/2020.

Với những dự án được phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 sẽ mất rất nhiều thời gian để làm các thủ tục chuyển vốn, liệu tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản những tháng đầu năm 2020 có chậm tiến độ như những năm trước?

Theo quy định, đến ngày 31/12 năm trước mà không giải ngân hết nguồn vốn đã giao, thì chủ đầu tư phải làm hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ mới quyết định có cho phép dự án được kéo dài thời hạn giải ngân hay không.

Nếu được kéo dài thời hạn giải ngân, chủ đầu tư phải làm hồ sơ gửi cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc Nhà nước để thực hiện các thủ tục chuyển nguồn. Để làm được các thủ tục, hồ sơ này mất rất nhiều thời gian và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân vốn của dự án được phép kéo dài trong quý I hằng năm rất thấp.

Để xử lý vướng mắc đó, đối với các dự án đủ điều kiện kéo dài thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2020, theo quy định mới, chủ đầu tư không phải thực hiện bất cứ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục gì ngoài việc đến kho bạc xác nhận số vốn đã giải ngân đến hết ngày 31/12/2019, số còn lại chưa giải ngân sẽ tự động được chuyển nguồn sang năm 2020, kho bạc sẽ giải ngân ngay theo tiến độ thực hiện dự án mà không đòi hỏi thêm bất cứ hồ sơ, giấy tờ, thủ tục gì.

Từ nay đến hết ngày 10/2/2020, dự án nào thuộc đối tượng được kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết ngày 31/12/2020, thì chủ đầu tư phải đến kho bạc xác nhận số vốn đã giải ngân, nguồn vốn được chuyển sang năm 2020.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Ông có hy vọng việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ không còn tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”?

Luật Đầu tư công 2019 đã xử lý được hàng loạt tồn tại, vướng mắc trong hoạt động đầu tư công, như lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công... Luật Đầu tư công 2019 sẽ chấm dứt được việc lập kế hoạch đầu tư công không đúng quy định, “ghi tên dự án” để được bố trí vốn, nhưng sau khi bố trí vốn lại không triển khai được; bố trí vốn không đúng dẫn đến tình trạng có dự án có tiền mà không giải ngân được, trong khi có dự án giải ngân rất tốt lại không có vốn…

Luật Đầu tư công chỉ xử lý được những vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, nhưng không xử lý được những vấn đề liên quan đến đấu thầu, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường... Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ngoài việc thực hiện Luật Đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề liên quan đến đất đai, đấu thầu, xây dựng…

Tin bài liên quan