Mùa khô năm nay không lo thiếu điện

Tổng công suất các nguồn điện trên hệ thống đạt 34.000 MW, trong khi dự báo phụ tải cao nhất là 26.000 MW.

Năm 2015 được EVN đánh giá là thuận lợi trong đảm bảo cấp điện. Ảnh: Thanh Hương

Năm 2015 được EVN đánh giá là thuận lợi trong đảm bảo cấp điện. Ảnh: Thanh Hương

Ngay trong ngày đầu tiên đi làm lại sau Tết Ất Mùi, Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia (NPT) đã làm lễ ra quân đầu năm bằng việc phát động đẩy nhanh tiến độ công trình đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm cấp điện cho Thủ đô Hà Nội. Trước đó, giai đoạn đầu của Dự án (gồm 11,6 km tuyến đường dây mạch kép 220 kV từ TBA 220 kV Vân Trì đến bờ Bắc Sông Hồng) đã hoàn thành đóng điện, đảm bảo cấp điện trực tiếp cho huyện Đông Anh và vùng phụ cận vào cuối tháng 12/2014.

Giai đoạn II của Dự án (còn khoảng 6 km đường dây mạch kép 220 kV nối từ bờ Nam sông Hồng đến Trạm biến áp 220 kV Chèm, có nhiệm vụ cấp điện trực tiếp cho Thủ đô Hà Nội), theo kế hoạch, sẽ hoàn thành đóng điện trong tháng 6/2015. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của việc đảm bảo điện cho Thủ đô ngay đầu mùa khô cũng như trong năm 2015 với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, NPT đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành đóng điện toàn bộ công trình vào cuối tháng 3/2015.

Nguồn cấp điện cho Hà Nội đang phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống đường dây truyền tải lấy điện từ các nhà máy thủy điện ở phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình. Hiện nhu cầu phụ tải của Hà Nội vào khoảng 2.000 - 2.400 MW. Bởi vậy, đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm có khả năng tải từ 400 - 600 MW, tương ứng  khoảng 20-25% công suất của Hà Nội hiện nay, sẽ giúp cải thiện không nhỏ chất lượng cấp điện trong mùa khô tới.

Năm 2015, nhu cầu tăng trưởng điện thương phẩm của Hà Nội vào khoảng 10,28%, thấp hơn so với mức 11,3% của năm 2014. Tuy nhiên, khu vực mà Tổng công ty Điện lực Hà Nội đảm nhiệm cấp điện cũng chỉ có mức tăng trưởng phụ tải xếp thứ ba sau Tổng công ty Điện lực miền Bắc (12%), Tổng công ty Điện lực miền Nam (11,52%) và trên Tổng công ty Điện lực miền Trung (9,32%), Tổng công ty Điện lực TP.HCM (6,13%).

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc, 20 tỉnh khu vực phía Bắc, trừ Hà Nội, được dự báo có nhu cầu phụ tải điện cao nhất trong tháng 2/2015 có thể tới 7.500 MW và thấp nhất cũng đạt 3.000 MW. Nhưng trên thực tế, phụ tải cao nhất đạt được là 5.472 MW và thấp nhất cũng chỉ có 2.300 MW, kém nhiều so với dự báo.

Năm 2015 cũng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem là thuận lợi trong việc đảm bảo cấp điện. Theo Phó tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An, các hồ thủy điện đều có mức tích nước cuối năm đạt xấp xỉ mức nước dâng bình thường, nhiều công trình truyền tải và phân phối điện được đưa vào vận hành, trong đó có các dự án tăng cường truyền tải Bắc - Nam và chống quá tải tại một số khu vực trọng điểm, nên cấp điện cho năm 2015 có nhiều thuận lợi.

Tại Quyết định 11115/QĐ-BCT về kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2015, Bộ Công thương đưa ra mức huy động nhiệt điện chạy dầu là 0,883 tỷ kWh điện cho cả năm, trong đó riêng mùa khô là 0,71 tỷ kWh. Đây được xem là con số không cao trong tổng lượng điện năng sản xuất là 77,707 tỷ kWh cho mùa khô 2015.

Với thực tế nắng nóng đã diễn ra sớm trong dịp Tết Nguyên đán ở Hà Nội hay Nghệ An, ngành điện cũng đã lên phương án chuẩn bị ứng phó cấp điện cho cao điểm mùa khô với tính toán điều hành phụ tải điện ở mức 436 triệu kWh/ngày trong tháng 3 này. Con số này cao hơn tương đối so với dự kiến phụ tải tiêu thụ 351 triệu kWh/ngày trong tháng 2/2015.

Ngoài ra, trong 3 đợt xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa xong, với sự phối hợp của ngành nông nghiệp và các địa phương, EVN đã tiết kiệm được 3,5 ngày xả nước. Như vậy, so với dự tính phải xả 5,8 tỷ m3 nước trong 3 đợt xả nước này, EVN đã chỉ phải xả 5,08 tỷ m3 nước và có thêm của để dành cho mùa khô cận kề.

Với khu vực miền Nam, mùa khô năm 2015 cũng đã có những cải thiện lớn trong việc cấp điện, khi tổ máy 1 Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã được bàn giao cho chủ đầu tư trước Tết Ất Mùi. Tổ máy 2 của Nhà máy sau khi hòa thành công vào lưới điện quốc gia đầu tháng 9/2014 cũng sẽ được bàn giao và cấp chứng chỉ trong tháng 3/2015.

Việc chính thức đưa vào vận hành thương mại ổn định, tin cậy trong giai đoạn mùa khô năm 2015 của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã góp phần giảm áp lực truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam trên lưới điện truyền tải 500-220 kV, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Nam.

Tin bài liên quan