Nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc khi đầu tư vào điện mặt trời vì cơ chế giá chưa rõ ràng. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc khi đầu tư vào điện mặt trời vì cơ chế giá chưa rõ ràng. Ảnh: Đức Thanh

Mòn mỏi chờ giá điện mặt trời

Thông tin về một số nhà đầu tư nước ngoài làm năng lượng tái tạo đã thu xếp hành lý, đóng cửa văn phòng tại Việt Nam vì chưa có giá điện mặt trời, càng khiến cho tình hình đầu tư các dự án năng lượng sạch thêm khó khăn.

Chờ đến bao giờ?

Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư cuối tuần qua, một chuyên gia tư vấn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo đã không giấu nổi tiếng thở dài, ông cho biết, sau Tết Canh Tý đã có thêm 2 nhà đầu tư điện mặt trời và 1 nhà đầu tư về điện gió từ nước ngoài đóng cửa văn phòng, thu xếp hành lý để rời đi.

“Họ bảo không biết bây giờ phải làm gì, dù đã bỏ tiền ra để tìm kiếm các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam và rất hy vọng. Họ đã rất kiên trì để chờ quyết định về giá mới với điện mặt trời mà lẽ ra đã phải ban hành để áp dụng từ ngày 1/7/2019, nhưng tới nay vẫn chưa có và không biết được lúc nào mới có chính thức. Vì vậy, họ không biết đi tiếp như thế nào khi không có thông tin chính xác để tính toán, nên đành ra đi để tìm cơ hội ở chỗ khác”, vị chuyên gia tư vấn này cho hay.

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài rời đi, các nhà đầu tư trong nước giờ đây cũng không còn hào hứng khi nhắc tới các cuộc họp liên quan tới giá mới cho điện mặt trời nữa.

Một nhà đầu tư cho hay, với các dự án đưa vào vận hành thương mại từ ngày 1/7/2019 trở đi, do không có giá mua điện mới được quyết định, nên sản lượng điện phát ra chỉ được bên mua điện ghi nhận, bởi cũng không biết phải chi trả ở mức nào. Thực tế này làm nhà đầu tư mệt mỏi do rất hy vọng thu được tiền bán điện để trang trải các khoản đầu tư đã bỏ ra trước đó, giảm bớt gánh nặng vay vốn. Đáng nói là, giờ đã cuối tháng 2/2020, việc quyết toán tài chính cho năm 2019 cũng phải hoàn tất mà tiền thì chưa biết bao giờ mới về, nên nhà đầu tư vẫn phải tiếp tục xoay xở vay mượn để có chi phí vận hành.

Được biết, ngày 17/2 vừa qua, Bộ Công thương lại tiếp tục trình phương án giá điện mặt trời lên Chính phủ sau khi câu chuyện giá điện mới đã được nâng lên đặt xuống nhiều lần, mà vẫn không quyết dứt điểm trong cả năm qua.

Lý giải cho việc đề xuất mức giá mua điện mặt trời mặt đất từ ngày 1/7/2019 là 7,09 UScent/kWh và điện mặt trời nổi là 7,69 UScent/kWh, Bộ Công thương cho hay, nhiều chủ đầu tư đã đề nghị áp dụng giá điện mặt trời cố định cho giai đoạn sau ngày 30/6/2019.

Lý do được giải thích là nhiều dự án đã được các cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã bỏ nhiều thời gian và kinh phí để hoàn thành các thủ tục quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công các hạng mục phụ trợ và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật.

Việc chưa ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) phần lớn do nguyên nhân khách quan là do Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về hết hiệu lực giá điện cũ sau ngày 30/6/2019, nên chưa có cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký nguyên tắc hoặc chính thức PPA với nhà đầu tư. Bởi vậy, nếu chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh có khả năng sẽ làm chậm trễ tiến độ dự án, gia tăng thời gian, chi phí và nguồn lực với nhà đầu tư, giảm hiệu quả của dự án.

Ngoài ra, cũng có nhiều dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa có cơ chế giá mua điện mới, nếu dự án không thực hiện được thì ảnh hưởng cam kết của UBND địa phương, ảnh hưởng môi trường đầu tư, uy tín đối với chính sách phát triển năng lượng tái tạo, cũng như niềm tin của người dân.

Nhà đầu tư cân nhắc

Theo đề xuất của Bộ Công thương, có 2 phương án về đối tượng được áp dụng giá điện mới.

Trong phương án thứ nhất sẽ có 7 dự án với tổng công suất khoảng 320 MW đã ký PPA và đáp ứng điều kiện cơ sở về dự án và đã/đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019 (ngày ban hành Thông báo 402/TB-VPCP).

Với phương án còn lại, có tới 36 dự án có chủ trương đầu tư với tổng công suất 2.988,9 MW thuộc diện đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020.

Bộ Công thương cũng nghiêng về phương án 2.

Đáng nói là, hồi giữa tháng 1/2020, Bộ Tài chính cho rằng, giá mua điện theo đề xuất của Bộ Công thương đang “thấp hơn giá trần theo khung phát điện năm 2019, thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 1.864,44 đồng/kWh”. Như vậy, không còn tính chất khuyến khích phát triển loại năng lượng điện mặt trời so với một số nguồn điện khác đang khai thác.

Trước thực tế giá mua bán điện mặt trời mới có thể giảm quá sâu so với mức 9,35 UScent/kWh trước đây, sẽ có nhiều nhà đầu tư dù đã được bổ sung quy hoạch ở khu vực miền Trung, miền Bắc vẫn phải tính phương án rút lui, bởi đây là khu vực tiềm năng nắng thấp, nếu tiếp tục đầu tư, xây dựng sẽ không còn hiệu quả.

“Mức giá mới sẽ tác động rất lớn thời gian thu hồi vốn lên thành 14-15 năm, thay vì dưới 10 năm trước đây. Bởi vậy, chúng tôi phải cân nhắc lại kế hoạch đi tiếp với điện mặt trời”, một nhà đầu tư cho biết.

Tin bài liên quan