Mở đường để xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD

Mở đường để xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD

(ĐTCK) Câu chuyện Đại sứ Mỹ biết gói bánh chưng, hay vị tham tán thương mại Nhật Bản am hiểu từng vùng miền và tìm mọi cách gặp Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam là những ví dụ được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra như bài học về kinh nghiệm ngoại giao phục vụ phát triển.

“Nhiều tham tán thụ động ngồi chờ thông tin thị trường, đây đó vẫn còn có người ngại việc khó việc khổ, thậm chí vẫn còn nặng tư duy nhiệm kỳ, lo việc nhà hơn việc nước. Đây là điểm yếu các tham tán thương mại tại nước ngoài cần quyết tâm khắc phục để làm tốt công tác tìm kiếm thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, ở vai khác không kém phần quan trọng là gây dựng quan hệ với chính quyền sở tại để hỗ trợ và làm tốt công tác tham mưu đề xuất xây dựng chính sách cho Chính phủ, nắm bắt kịp thời các rào cản để phối hợp cùng Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp đấu tranh tháo gỡ”, Thủ tướng nghiêm túc nhắc nhở tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 mới đây,

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tuy tăng trưởng tích cực, song vẫn còn vấn đề đáng quan tâm là nhiều thị trường mất cân bằng trong cán cân thương mại.

Trở lại với nhiệm vụ chính của ngành công thương cũng như các cơ quan thương vụ, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỷ USD sẽ không phải là xa vời, nếu các cơ quan thương vụ cùng cộng đồng doanh nghiệp phối hợp đồng bộ hiệu quả, chủ động, sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Đánh giá về năng lực và quy mô sản xuất của Việt Nam hiện nay, Thủ tướng khẳng định,  sản xuất của Việt Nam hiện nay hoàn toàn đầy đủ, thậm chí là dư thừa khả năng sản xuất với quy mô lớn bởi hiện nay năng lực sản xuất trong nước là rất lớn ở tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay không phải là năng lực sản xuất mà là đầu ra của sản phẩm, trong đó đặc biệt là yếu tố thị trường ổn định và chấp nhận sản phẩm.

“Năm nay, chúng ta đạt 425 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu là điều rất đáng mừng. Trên nền tảng này, chúng ta cần phấn đấu quyệt liệt để sớm đạt con số 500 tỷ USD”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Theo người đứng đầu Chính phủ, mục tiêu này không phải không khả thi trong tương lai gần, bởi năng lực sản xuất hiện nay đã có đầy đủ chính là nền tảng quan trọng nhất. Bên cạnh đó, nếu có sự phối hợp hiệu quả của doanh nghiệp trong đảm bảo năng lực sản xuất và chất lượng hàng hóa, còn các đơn vị của Bộ Công thương, đặc biệt là các cơ quan thương vụ và tham tán thương mại đảm bảo làm hết sức mình để có thể mở rộng đầu ra cho hàng hóa thì hoàn toàn có thể thực hiện được.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành công thương sẽ triển khai cụ thể hóa ngay các mục tiêu nhiệm vụ trong chương trình hành động cụ thể của Bộ Công thương. Bộ sẽ xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ cũng như có công cụ để có thể định lượng hóa hiệu quả hoạt động của cơ quan thương vụ cũng như các tham tán thương mại gắn với hiệu quả của doanh nghiệp và địa phương cũng như hiệu quả công tác tham mưu đóng góp cho xây dựng chính sách của Chính phủ.

Bên cạnh đó, bộ này sẽ tăng cường hơn nữa năng lực nghiên cứu, tổng hợp tình hình thị trường, chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của nước sở tại; đặc biệt, lưu ý các quy định mang tính rào cản trá hình và các thay đổi có khả năng gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng sử dụng nhiều lao động.

Tin bài liên quan