Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu là ưu tiên chính sách hàng đầu

Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu là ưu tiên chính sách hàng đầu

Mạnh tay “bốc thuốc” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(ĐTCK) Một loạt biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để về đích mục tiêu tăng trưởng GDP 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, được các địa phương và giới chuyên gia thảo luận trong các cuộc họp, trao đổi gần đây.

Tại phiên họp trực tuyến với các lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước ngày 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các chỉ số cơ bản của sức khỏe nền kinh tế, nền tảng để thực thi các chính sách mới đều tốt.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát ở mức thấp, 6 tháng chỉ tăng 0,2%; tăng trưởng phục hồi mạnh, quý I đạt 5,15%, quý II đạt 6,17%. Kết quả, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh.

Khách quốc tế tăng trên 30%, giúp Việt Nam trở thành 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm. Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm kể từ tháng 3/2008, chỉ số VN-Index đạt trên 777 điểm vào ngày 30/6 vừa qua. Chỉ số PMI do Nikkei đánh giá trong tháng 6 đạt 52,6 điểm, chứng tỏ sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển.

Xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Tính cả xuất nhập khẩu thì 6 tháng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 200 tỷ USD.

Thu ngân sách tăng mạnh, có nhiều giải pháp bảo đảm nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD, tăng 54,8%; vốn thực hiện 7,7 tỷ USD, tăng 6,5%. Có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng.

Để đạt được tăng trưởng 6,7% GDP cả năm, 6 tháng cuối năm phải đạt được tăng trưởng 7,4%, đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng có dư địa chính sách để thực hiện.

Tại Hội nghị với các địa phương ngày 3/7, Thủ tướng đã gợi ý một loạt giải pháp vốn đang được tranh luận nhiều hiện nay. Chẳng hạn, tăng trưởng công nghiệp, xây dựng thấp hơn cùng kỳ, trong đó khai khoáng giảm đến 8,2%, riêng dầu khí giảm 11,6%.

“Trong mức tăng trưởng 5,73% của 6 tháng đầu năm, chúng ta chưa có biện pháp nào để tăng khai thác dầu khí. Dầu khí vẫn giữ con số cũ, chưa có tăng thêm”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao. Đặc biệt, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn rất chậm, mới cổ phần hóa 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa 21 doanh nghiệp, mới thoái vốn 11.600 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng.

“Làm gì để thúc đẩy công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ hơn? Cần kích cầu không? 6 tháng tăng trưởng tín dụng 8%, cả năm có thể  tăng 18-20% được không?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Đồng tình với những giải pháp và định hướng chính sách mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra, giới chuyên gia khuyến nghị một số giải pháp.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbrigt Việt Nam, cần tập trung tái cơ cấu ngân hàng, đầu tư công – nợ công và DNNN. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang thuộc nhóm cao nhất khu vực, nhưng chưa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Đó là vì các ngân hàng muốn tìm kiếm lợi nhuận cao đã đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, muốn an toàn thì đầu tư trái phiếu chính phủ, hay cho vay một số lượng nhỏ các doanh nghiệp lớn có uy tín và tài sản đảm bảo.

Do vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn "đói" tín dụng, mặc dù tín dụng tăng 18,25% trong năm 2016 và 5,76% trong 4 tháng đầu năm 2017 - mức cao nhất trong 8 năm qua. Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu là ưu tiên chính sách hàng đầu.

Đầu tư công không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng.  Để có đầu tư công trong ngắn hạn mà không phá vỡ trần nợ công, giới chuyên gia khuyến nghị, dùng nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, thay vì đổi đất lấy hạ tầng, nên cho phép các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng bằng trái phiếu công trình, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất. Hạ tầng đầu tư xong, tiến hành đấu thầu cạnh tranh, thu tiền về, trả nợ trái phiếu…

Trên thực tế, không ít chính sách gần đây cho thấy, Chính phủ đang từng bước lắng nghe thị trường. Chẳng hạn, mới đây, Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM sử dụng 67.000 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa và thoái vốn các DNNN. Theo đó, Thành phố đã có phương án bổ sung nguồn vốn này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, nhằm tập trung đầu tư những dự án trọng điểm, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng khẩn trương, ngay sau khi được ban hành.

Tin bài liên quan