Lý do động cơ máy bay không trang bị lưới ngăn chim

Lưới chắn không thể bảo vệ động cơ máy bay khỏi cú đâm của chim, thậm chí có thể gây thiệt hại nặng hơn khi xảy ra sự cố.
Động cơ máy bay C-17 Mỹ khạc lửa sau khi hút phải chim. Ảnh: Aviationist.

Động cơ máy bay C-17 Mỹ khạc lửa sau khi hút phải chim. Ảnh: Aviationist.

Đâm phải chim là hiện tượng xảy ra thường xuyên trong ngành hàng không thế giới và từng gây ra nhiều tai nạn thảm khốc, dù nhà chức trách các nước đã áp dụng hàng loạt biện pháp như dự báo đường bay của chim, xua đuổi bằng súng và hình nộm, cũng như phát tín hiệu đe dọa và phá khu vực chúng làm tổ.

"Các lá cánh động cơ thường nghiền nát những con chim cỡ nhỏ, nhưng chúng không được thiết kế để chống chịu cả một đàn chim hoặc những con có kích thước lớn như ngỗng trời", John Hansman, giáo sư ngành hàng không thuộc Viện công nghệ Massachusetts, cho biết.

Vấn đề động cơ hư hỏng do đâm phải chim đã được nghiên cứu suốt nhiều năm qua, nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để xử lý. Việc chế tạo động cơ bằng những vật liệu bền và nặng hơn có thể tăng sức chịu đựng cho máy bay, nhưng lại có nguy cơ gãy vỡ và tạo mảnh văng vào thân máy bay làm hành khách bị thương, thậm chí làm phi cơ hư hỏng và lao xuống đất.

Một số người từng đề xuất giải pháp trang bị lưới chắn để ngăn chim đâm vào động cơ, nhưng các chuyên gia khẳng định đây chỉ là biện pháp "lợi bất cập hại" và không có tính thực tế. Những con chim lớn thường nặng tới vài kg, trong khi chênh lệch tốc độ giữa chúng và một máy bay chở khách có thể lên tới gần 1.000 km/h.

"Những con chim khi đó chẳng khác gì một quả đạn pháo. Lưới chắn gần như không có tác dụng, thậm chí chúng có thể bị phá hủy và hút vào động cơ, trở thành vấn đề còn nghiêm trọng hơn xác những con chim", John Goglia, cựu quan chức Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), cho biết.

Những tiêm kích chiến thuật của Nga như Su-27 và MiG-29 đều được trang bị màn chắn dị vật làm bằng titan. Tuy nhiên, chúng được thiết kế để ngăn động cơ hút phải bùn đất hoặc sỏi nhỏ trên đường băng, cũng như chỉ hoạt động khi máy bay cất hạ cánh hoặc ở trên mặt đất. Khi càng đáp được thu lại, các màn chắn cũng tự động hạ xuống.

Lý do động cơ máy bay không trang bị lưới ngăn chim ảnh 1

Lưới chắn dị vật trên tiêm kích Su-27 trong quá trình bảo dưỡng. Ảnh: Topwar.

Lưới chắn cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình vận hành máy bay, do chúng cản trở và làm nhiễu động luồng khí ở cửa hút gió, dẫn tới hiện tượng hóc khí máy nén hoặc thậm chí phá hủy động cơ.

"Vật liệu đủ sức chống chịu va đập với chim trong khi bay lại quá nặng, tới mức không thể ứng dụng trong thực tế", Basil Barimo, phó chủ tịch phụ trách an toàn thuộc Hiệp hội Vận tải Hàng không Mỹ (ATA), cho hay. Chuyên gia Goglia có chung quan điểm, khẳng định ngành công nghiệp hàng không chưa chế tạo được vật liệu nào đáp ứng phương án này.

Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) từng nhiều lần cập nhật yêu cầu về khả năng chống chịu va đập của động cơ. Tuy nhiên, giải pháp thường tập trung vào việc đẩy xác chim qua động cơ, thay vì ngăn chúng bị hút vào.

Tin bài liên quan