Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ đúng các cam kết quốc tế

(ĐTCK) Trao đổi thông tin với báo giới về dự thảo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Dự thảo luật đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, không bao cấp, không hỗ trợ tràn lan, không đưa tiền cho DN theo kiểu phát chẩn, đồng thời không vi phạm các cam kết quốc tế. 
Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa tuân thủ đúng các cam kết quốc tế

Trước những ý kiến trái chiều về Dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là tại hội thảo lấy ý kiến về Luật DNNVV của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) về bất cập của Dự thảo luật Hỗ trợ DNNVV, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định, Dự thảo luật không bao cấp, không hỗ trợ tràn lan, không đưa tiền cho DN theo kiểu phát chẩn. Dự thảo Luật hướng tới hỗ trợ đúng các đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời đảm bảo tuân thủ đúng các cam kết quốc tế.

Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng doanh nghiệp (Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT), đơn vị soạn thảo luật khẳng định, Dự thảo Luật không vi phạm các cam kết quốc tế và VCCI cũng đã có văn bản khẳng định điều này.

“Luật không hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ tất cả DN nói chung, không bao cấp, không đưa tiền cho DN, không làm cho DN ỷ lại, nhỏ mãi không chịu lớn”, ông Khương nói.

Một số ý kiến cho rằng việc hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách cũng sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn thu. Trước vấn đề này, Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, trên cơ sở giả định về mức giảm đối với DN vừa là 1%, DN nhỏ là 2% và DN siêu nhỏ là 3% so với mức thuế suất thu nhập DN hiện hành, dự kiến ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 1.920 tỷ đồng (giảm thu từ khối các DN vừa khoảng 103 tỷ đồng, DN nhỏ khoảng 1.314 tỷ đồng và DN siêu nhỏ khoảng 502 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, mức giảm thu này có thể được coi là một mức chi phí hợp lý để nuôi dưỡng các DNNVV, nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DN và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập DN trong dài hạn.

Theo khảo sát của các tổ chức hiệp hội về khó khăn của DN thì các vấn đề lớn nhất mà DN đang gặp phải là tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

Trên thực tế DNNVV thường khó tiếp cận về vốn vay từ các ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; tài sản đảm bảo ít, phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính, kê toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu, dễ bị rủi ro. Vì vậy theo ông Khương, Luật Hỗ trợ DNNVV là luật khung, đưa ra các nguyên tắc để hỗ trợ DNNVV. Đồng thời, bổ sung quy định DNNVV được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ DNNVV để tư vấn, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của DN. Đối với việc tiếp cận vốn từ ngân hàng, dự thảo Luật quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế lãi suất vay, thời gian vay, điều kiện và quy trình, thủ tục vay đơn giản, phù hợp với đặc điểm, quy mô của DN, đa dạng hoá các hình thức cấp tín dụng phù hợp với DNNVV.

Trước ý kiến cho rằng Dự thảo Luật này đè lên 7 Luật khác nên không khả thi, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quán triệt, Luật không đụng chạm 3 luật cơ bản (Luật đất đai, Luật ngân sách nhà nước và Luật thuế). Quy định về thuế  sẽ tổng hợp sửa đổi ở Luật thuế. Trong hồ sơ Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV đã đánh giá sự liên quan đến các luật khác nhau để khi thực hiện không có xung đột, 1 luật sửa nhiều luật.

Về nguồn lực hỗ trợ, Cục Phát triển DN khẳng định không có chuyện lấy ngân sách để hỗ trợ đều cho cả 500.000 DN trên cả nước, với số tiền khoảng 10 triệu đồng/DN.

“Chúng tôi chọn 3 nhóm DN (hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN tham gia chuỗi liên kết ngành và chuỗi giá trị, Quỹ phát triển DNNVV) và các DN tiềm năng để hỗ trợ, tránh câu chuyện bốc thuốc bổ cho người mới ốm dậy. Chúng tôi không hỗ trợ tất cả 500.000 DN hiện có bởi nếu làm vậy thì thành phát chẩn”, lãnh đạo Cục phát triển DN nói.

Về tên gọi của Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT cho biết, thông lệ quốc tế không nước nào gọi Luật bảo vệ DNNNVV nên Ban soạn thảo chọn tên gọi Luật hỗ trợ DNNVV. Trong kỳ họp tới, Ban soạn thảo trình 2 phương án tên gọi là Hỗ trợ DNNVV và  Phát triển DNNVV để phù hợp với các nước khác. Trả lời câu hỏi về việc thực thi Luật sau khi ban hành, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, khâu thực thi pháp luật của Việt Nam chưa tốt nên còn câu chuyện hành xử của công chức khi hỗ trợ DN. Trong quá trình thực thi Luật, với các nghị định hướng dẫn cụ thể sẽ hạn chế tối đa điểm yếu này.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp

"Hỗ trợ DNNVV theo Luật hỗ trợ DNNVV không vi phạm các cam kết quốc tế"

Trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới (như Hiệp định TPP, FTA với Liên minh Châu Âu…) và trên cơ sở chia sẻ mục tiêu thúc đẩy sự tham gia vào quan hệ thương mại của các DNNVV, các Thành viên đã chấp thuận cho Việt Nam được ban hành, áp dụng hoặc duy trì các ưu đãi, trợ cấp hay chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV (bao gồm hỗ trợ tài chính như ưu đãi về thuế hay trợ cấp…), hỗ trợ lựa chọn địa điểm sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và cung cấp thông tin về công nghệ, trang thiết bị, trợ giúp pháp lý, tiếp thị và xúc tiến thị trường…

Các biện pháp hỗ trợ nêu trên không phải là trợ cấp bị cấm sử dụng, như trợ cấp xuất khẩu (lấy xuất khẩu làm tiêu chí để cho hưởng trợ cấp) hoặc trợ cấp thay thế nhập khẩu (trợ cấp để khuyến khích sử dụng đầu vào trong nước, khuyến khích nội địa hóa).

Các biện pháp này được áp dụng chung đối với các DNNVV. Do vậy không phải là các trợ cấp riêng biệt (chỉ dành cho một hoặc một nhóm DN hay ngành, lĩnh vực) có khả năng bị áp dụng các biện pháp về chống trợ cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam:

Chúng tôi tham gia ngay từ đầu và chứng kiến sự thay đổi nội dung trong đạo luật. Theo chúng tôi và hội doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh, đạo luật cơ bản tốt vì hỗ trợ DNNVV là tổ chức chuyên nghiệp cho DNNVV. Chính sách phải đảm bảo nguyên tắc lâu dài, nhât quán và xuyên xuốt.

Trong dự thảo luật, chúng tôi thấy đảm bảo nguyên tắc này. Trên thực tế doanh nghiệp tuy được quan tâm nhiều năm nhưng chưa thụ hưởng vì chưa có luật đủ mạnh để thực hiện. Điểm nổi bật của dự thảo là đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, phủ rộng cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng trên cơ sở của phía cung – cộng đồng doanh nghiệp. Cách tiếp cận và xây dựng luật là đúng đắn, hỗ trợ tới đúng các đối tượng là doanh nghiệp nhỏ, giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận và hưởng thụ các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Với Luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ giúp tác động tới cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ hỗ trợ mà còn tạo sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa, làm nền tảng để hình thành chuỗi sản xuất, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp Việt Nam gần 98% là DNNVV. Chúng ta đặt vấn đề làm thế nào để doanh nghiệp lớn lên? Cần làm sao tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp. Đạo luật đã đặt vấn đề trọng tâm, bài bản, đòi hỏi không cứng. Nếu chúng ta hỗ trợ liên kết sẽ tạo quy mô tốt.

Ông  Trần Viết Đán, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình:

Việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết, cộng đồng doanh nghiệp mong Luật này sớm được ban hành, làm khuôn khổ pháp lý để các doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo nền tảng và điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập và phát triển. Chúng tôi cơ bản nhất trí với các nội dung mà dự thảo Luật đã nêu, các nội dung thể hiện tính hợp lý, nội dung hỗ trợ của Chương II ngắn gọn, chỉ hỗ trợ những nội dung trọng tâm để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, không hỗ trợ tràn lan, nội dung hỗ trợ đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.  

Tin bài liên quan