Trong bối cảnh đầu tư công còn dàn trải, thất thoát, kém hiệu quả, việc kiểm soát chặt nợ công là cần thiết

Trong bối cảnh đầu tư công còn dàn trải, thất thoát, kém hiệu quả, việc kiểm soát chặt nợ công là cần thiết

Lời giải bài toán nợ công tăng: Nâng cao hiệu quả đầu tư

(ĐTCK) Việc kiểm soát nợ công để không tăng cao là cần, nhưng quan trọng và hợp lý hơn là tìm lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để giảm thiểu những tác động không mong muốn của nợ công tăng.

Lo ngại áp lực trả nợ

Sau 3 ngày thảo luận về sức khỏe nền kinh tế, một trong những mối quan ngại được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra là nợ công đang tăng cao và tiến dần đến trần cho phép.

“Đọc các báo cáo của Chính phủ, tôi thấy nợ công vẫn chưa có nhiều thay đổi so với những năm gần đây. Vẫn là chi thường xuyên chiếm tỷ trọng cao tới 64%, nợ công đang sắp đụng trần 65% GDP mà Quốc hội cho phép, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp, tức là có tiền mà không làm sao chi tiêu được.

Điều đáng nói là năm nào chúng ta cũng muốn tiêu nhiều tiền hơn năm trước, dường như càng nhiều càng tốt. Tốc độ tăng thu chi ngân sách nhà nước luôn cao hơn được coi là thành tích. Nhưng trong bối cảnh nợ công đang gần sát mức trần như hiện nay, tại sao lại coi việc thu chi ngân sách nhà nước tăng 10% là tốt hơn so với chỉ 7% hay 8%?”, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nêu vấn đề.

Dẫn những con số cụ thể từ báo cáo của Chính phủ: dự kiến cuối năm 2017, nợ công vào khoảng 3,13 triệu tỷ đồng (năm 2016 là 2,86 triệu tỷ đồng), Đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) nhẩm tính, tỷ lệ nợ công năm 2017 chiếm khoảng 62,6% GDP và dự kiến tăng lên 63,9% GDP vào cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng, tương đương 51,8% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

“Như vậy, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách 9 tháng năm nay mới đạt 69,5% dự toán. Hầu hết đều rất thấp so với cùng kỳ những năm trước. Như vậy, việc ngân sách trung ương năm nay có khả năng hụt thu là đáng quan tâm”, ông Chuẩn quan ngại.

Lo ngại nợ công tăng cao gây áp lực lớn đến khả năng trả nợ của ngân sách, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhìn nhận, nợ công dự báo đến năm 2020 vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng; trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7 - 8% tổng chi ngân sách nhà nước. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1/2 số tiền bán vốn nhà nước trong 5 năm.

Khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn khó khắc phục được tình trạng này, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỷ đồng. Tình trạng là thế nhưng nhiều năm nay chưa ưu tiên giảm bội chi để trả nợ.

Nâng cao hiệu quả tiêu tiền

Để giảm thiểu rủi ro nợ công tăng cao, một số ý kiến cho rằng, cần nâng cao kỷ luật ngân sách, nhất là kiểm soát để nợ công không tăng nhanh. Tuy nhiên, ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, cũng như chuyên gia cho rằng, với đặc thù là một nền kinh tế trẻ và khá năng động như Việt Nam, việc cứng nhắc và đột ngột kéo giảm nợ công sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. 

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng và hợp lý hiện nay là phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, qua đó một mặt tiếp tục tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, mặt khác tạo thêm nguồn lực để cải thiện khả năng trả nợ cho ngân sách, giảm rủi ro của nợ công tăng cao.

Cho rằng trong bối cảnh đầu tư công còn dàn trải, thất thoát, kém hiệu quả, việc kiểm soát chặt nợ công là cần, nhưng theo góc nhìn của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt ra trần nợ công 65% GDP ở mức độ nào đó tác động không tích cực cho đầu tư và tăng trưởng. Có nhiều dự án không giải ngân được vì giới hạn 65% này. Có tiền nhưng không giải ngân được, dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, từ đó cái giá phải trả cao hơn.

“Vấn đề là vay nợ làm sao phải đảm bảo chi thực sự hiệu quả, không nên cứng nhắc đặt ra giới hạn trần nợ công. Bội chi ngân sách 10 năm gần đây liên tục cao mà nguyên nhân là do chi thường xuyên tăng cao. Do đó điều quan trọng là phải thắt chặt chi thường xuyên. Giải pháp tăng thu để giảm bội chi là không hiệu quả”, ông Cung nói.

Muốn giảm chi thường xuyên, ông Hàm đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế, đẩy nhanh quá trình đổi mới cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để giảm chi ngân sách. Đi liền với tăng thu, cần tiết kiệm chi để có thêm nguồn trả nợ.                      

Tin bài liên quan