Ngành than đang thường trực “nỗi lo nhập khẩu”, vì khả năng sản xuất than thương phẩm tới năm 2035 tăng không nhiều.

Ngành than đang thường trực “nỗi lo nhập khẩu”, vì khả năng sản xuất than thương phẩm tới năm 2035 tăng không nhiều.

Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 1: Trĩu nặng “nỗi lo than”

Trong 3 năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng, gồm điện - than - dầu khí, suy giảm đã tạo ra khoảng trống, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của nước ta. Với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, để thoát “bẫy thu nhập trung bình”, thì an ninh năng lượng phải là trụ cột trong chính sách phát triển, chứ không thể là “gót chân Asin” của nền kinh tế.

Bài 1: Trĩu nặng “nỗi lo than”

Với 3,096 triệu tấn than nhập khẩu có trị giá 364 triệu USD vào năm 2014, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng ròng sang nhập khẩu năng lượng ròng sớm hơn dự báo.

Tiềm năng… nằm im

Quyết định 403/2016/QĐ - TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (Quy hoạch 403) chỉ rõ, tổng tài nguyên than đã được điều tra đánh giá và thăm dò tính đến ngày 31/12/2015 là 48,88 tỷ tấn; trong đó, trữ lượng là 2,26 tỷ tấn (chiếm 4,62%), tài nguyên chắc chắn là 161 triệu tấn (0,33%); tài nguyên tin cậy là 1,137 tỷ tấn (2,33%); tài nguyên dự tính 2,7 tỷ tấn; tài nguyên dự báo là 42,6 tỷ tấn.

Điều này cho thấy, tài nguyên than đã thăm dò còn hạn chế và có độ tin cậy thấp.

PGS-TS. Nguyễn Cảnh Nam (Hiệp hội Năng lượng) cho hay, tài nguyên than của bể than Đông Bắc được huy động vào Quy hoạch 403 là 2,824 tỷ tấn, bằng 45% tổng tài nguyên, trữ lượng của bể than này. Nếu trừ phần tổn thất trong khai thác (bình quân 25%), thì chỉ có thể khai thác trong hơn 40 năm với sản lượng khoảng 50 triệu tấn than nguyên khai/năm.

Vùng tiềm năng nhất là bể than Đồng bằng Sông Hồng, có tổng tài nguyên than là 42,01 tỷ tấn, chiếm 86% tổng tài nguyên trữ lượng than cả nước, nhưng phần đã được thăm dò là rất ít, chỉ 525 triệu tấn đạt cấp tài nguyên tin cậy. Với điều kiện địa chất phức tạp, công nghệ khai thác phù hợp chưa có, việc phát triển bể than này theo quy mô thương mại thậm chí chưa được đề cập tới vào thời điểm năm 2030.

TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Than đồng bằng Sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, dù có tài nguyên lớn vậy, nhưng để khai thác xuống -900 m tới -1.200 m  không đơn giản, chưa kể chi phí quá lớn. “Các mỏ vàng, kim cương xuống sâu cả ngàn mét, nhưng có giá trị lớn, nên vẫn bù được chi phí khai thác. Còn giá trị của than thấp, nên không hiệu quả”, TS. Sơn nói.

“Hiện TKV đã khai thác ở mức -500 m so với mực nước biển, nhưng mọi điều kiện chi phí và năng suất lao động mỏ đều tăng lên. Việc cấp phép đầu tư, cơ chế, chính sách cho hòn than hiện rất hạn chế và việc tái đầu tư phát triển mỏ than gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực chính cho lao động là thợ lò thì đang suy giảm rất nhanh, trong khi đó, chưa có công nghệ để thay thế lực lượng này”, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TKV nhận xét.

Trong khi khai thác than của Việt Nam chững lại, thì thế giới vẫn không ngừng tăng trưởng. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2017, sản lượng than toàn thế giới đạt 7,546 tỷ tấn, tăng 3,1% so với năm 2016. Sản xuất than vẫn được nhiều nước quan tâm, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ tiếp tục dựa vào than để thêm sức mạnh cho tăng trưởng nhanh chóng của mình. Năm 2017, Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ  là những nước sản xuất than lớn nhất theo thứ tự là 3,376 tỷ tấn, 730 triệu tấn và 702 triệu tấn. 

Khai thác khó đủ đường

Năm 2017, giá trị thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản của TKV (tất cả các lĩnh vực than, khoáng sản, điện…) đạt 13.470 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch năm và bằng 87% so với năm 2016. Năm 2018, con số này là  hơn 14.000 tỷ đồng.

So với nhu cầu trong Quy hoạch 403 là 17.934 tỷ đồng/năm cho riêng than (tới năm 2020 sẽ lên bình quân 19.313 tỷ đồng/năm), có thể thấy, đầu tư cho than đang bị hụt hơi.

Song song với đó là phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều phải xuống sâu hơn, đi xa hơn, khiến chi phí đầu tư và giá thành than cũng tăng theo.

Trong giai đoạn 1995 - 2017, tại các mỏ than lộ thiên, hệ số bóc đất đá bình quân tăng gấp 3 lần (từ 3,76 m3/tấn lên 10,6 m3/tấn, có nơi lên tới 17,53 m3/tấn). Cung độ vận chuyển tăng 4 lần (từ 1,03 km lên 4,2 km). Đáy moong than xuống sâu hơn thêm 100 m… Tại các mỏ than hầm lò, suất đầu tư từ mức 50 USD/tấn hồi năm 2000 hiện đã lên mức 150 - 180 USD/tấn.

Giai đoạn 2016 - 2018, kế hoạch khai thác là 41 - 44 triệu tấn, nhưng TKV chỉ khai thác được 35 - 38 triệu tấn và dự kiến năm 2019 là 41 triệu tấn. 

Lãnh đạo TKV cũng cho hay, khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành tới năm 2035 tăng không nhiều, đạt mức 42 - 50 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu của các hộ tiêu thụ lại tăng mạnh, vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện, với mức 52 - 128 triệu tấn/năm.

Theo TS. Sơn, một mỏ hầm lò từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi đưa vào vận hành cần 7 - 10 năm và vốn đầu tư 10.000 -15.000 tỷ đồng, tùy theo quy mô, công suất. Xây dựng lò chợ cũng cần 2 - 3 năm. Bởi vậy, nếu không xác định rõ nhu cầu tiêu thụ than thông qua các hợp đồng kinh tế được ký kết, qua việc chuẩn bị sớm, thì ngành than sẽ khó lòng đáp ứng.

Cạnh đó, lao động hầm lò cũng đang là vấn đề nóng của ngành than.

Thợ mỏ từng là ước mơ của nhiều thanh niên các vùng quê đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, nhưng giờ đây, số lượng thợ lò là người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt ở vùng Tây Bắc ngày một tăng. Để kéo được các thanh niên ở vùng núi rừng về làm thợ mỏ, các trường đào tạo nghề mỏ phải đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khi tuyển sinh như ăn ở, đào tạo nghề miễn phí; ra trường có việc làm ngay, lương cao... Song, số lượng tuyển được không như mong muốn, ngay cả việc giữ học viên học hết khóa cũng rất gian nan. 

“Sự có mặt của nhiều thợ lò từ vùng sâu, vùng xa có điểm tốt là góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhưng điểm yếu là nhiều người trong số họ có trình độ học vấn và ý thức kỷ luật không cao bằng thợ dưới xuôi, nên rất cần lưu tâm trong quá trình đào tạo, quản lý khi làm việc để nâng được hiệu quả, năng suất”, ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị TKV trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Không chỉ khó kiếm thợ, việc giữ chân thợ đang trở thành nỗi lo thường trực của ngành than khi số thợ lò bỏ việc bình quân là khoảng 3.000 người/năm. Thậm chí, có mỏ, số thợ lò bỏ việc lớn hơn số tuyển mới hàng năm. “Năng suất lao động của ngành than đã tăng lên, nhưng nếu tuyển vào không đủ bù số rời đi, thì dù có đầu tư công nghệ cũng không lại. Tất cả vẫn phụ thuộc vào tính chuyên nghiệp của người thợ để đảm bảo sự bền vững, vì vậy, phải có chính sách giữ chân thợ. Tuy nhiên, chuyện này thì một mình TKV làm không nổi”, ông Kiển nói.

“Tái mặt” lo than nhập

Trên diễn đàn Quốc hội tháng 11/2018, ông Lê Minh Chuẩn nhận định: “Than chiếm vai trò rất quan trọng trong phát triển nguồn điện trong 15 - 20 năm nữa với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, hộ tiêu thụ than lớn nhất hiện nay là điện, chiếm hơn 70% sản lượng than của TKV”.

Hiện cả nước có 26 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất xấp xỉ 18.945 MW. Mặc dù tới nay, tỷ trọng sử dụng than trong nước cho sản xuất điện vẫn là chủ yếu, nhưng nhập khẩu than cho điện đang gia tăng nhanh chóng.

“Đến năm 2030, Việt Nam có thể phải nhập 70 - 90 triệu tấn than nhiệt năng bitum và á bitum/năm, con số này không chỉ thuần túy về thương mại nữa, mà phải tìm nguồn ổn định, đầu tư tại nước ngoài. Đây sẽ là thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần phải đổi mới tư duy về chiến lược an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 và sau năm 2030”, ông Chuẩn nói. 

Năm 2018, cả nước nhập khẩu 22,8 triệu tấn, 4 tháng đầu năm 2019 đã nhập 13,3 triệu tấn. Hiện có khoảng 150 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu than.  

Những ách tắc trong lo than cho điện từ cuối năm 2018 cũng xuất phát từ việc không rõ ràng trách nhiệm giữa các bên, khi cả bên cung ứng than và hộ tiêu thụ đều bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định về quản lý giá và dự trù kế hoạch đầu tư dài hạn cho khai thác. Thực tế cho thấy, việc mua bán than trong nước giữa các doanh nghiệp cần phải có hợp đồng dài hạn để bên cung cấp than có thời gian “chuẩn bị chân hàng” (đầu tư cho thăm dò, khai thác, chế biến, nhập khẩu). Đó là chưa kể, đầu tư cảng trung chuyển than ở miền Nam, dù đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2010, nhưng tới nay vẫn chưa chốt được “nên làm thế nào”!!!

Nói về “nỗi lo than nhập khẩu”, một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu cho biết, chất lượng, sự ổn định của nguồn than sẽ quyết định hiệu quả hoạt động của nhà máy điện. Vì vậy, trên thế giới đã hình thành các công ty nhập khẩu than chuyên nghiệp với khối lượng lớn cho sản xuất điện (như chúng ta đã hình thành các đơn vị đầu mối nhập khẩu than). Tuy nhiên, do người mua - kẻ bán đều giữ lợi thế cho mình, nên đã xuất hiện tình trạng một số nhà máy nhiệt điện phải chủ động mua than nhập khẩu theo phương thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, điều kiện CIF (trong khi thông lệ quốc tế, chủ yếu mua bán than theo điều kiện FOB).

Khi doanh nghiệp phải tự tìm giải pháp để lo cho mình, thì tình trạng manh mún, chồng chéo và khó đảm bảo nguồn cung ổn định tất yếu sẽ xảy ra.

Nguồn cung hạn chế, nhân lực ngành than suy giảm, vận hành nhập khẩu không chuyên nghiệp khiến cho nỗi lo đảm bảo than cấp cho điện ổn định ngày càng trĩu nặng.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan