Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để tận dụng các tiềm năng hợp tác trong AEC để phát triển

Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để tận dụng các tiềm năng hợp tác trong AEC để phát triển

Lan tỏa sức nóng AEC tới cộng đồng doanh nghiệp

(ĐTCK) Hơn 1 năm thành lập với nhiều kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội hợp tác và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, song dường như sức nóng từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vẫn chưa thực sự lan tỏa tới các doanh nghiệp. 

Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội hợp tác để phát triển đang là vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam, cũng như các nước thành viên ASEAN.

Giảm các rào cản thu hút đầu tư vào khu vực

Chia sẻ tại Tọa đàm “50 năm ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”,  bà Rebecca Fatima Sta Maria, nhà nghiên cứu chính sách cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á cho rằng, có nhiều thách thức cần giải quyết trên quy mô khu vực.

Đó là những quy định hạn chế về sở hữu cổ phần, số lượng nhà cung cấp dịch vụ; quy định, thủ tục hành chính rườm rà và các vấn đề đặt ra trong việc di chuyển của lao động lành nghề.

“Đây là điều cần xem xét khắc phục. Cần tạo nên một sân chơi chung thì ASEAN mới có thể coi là một khu vực thống nhất. Khi đó, nhà đầu tư đến Việt Nam không chỉ nhằm mục tiêu đầu tư tại đây, mà còn là để tiếp cận với thị trường ASEAN”, bà Rebecca phân tích.

Điểm hạn chế thứ hai được chỉ ra là sự rườm rà, phức tạp trong các thủ tục hành chính. Cụ thể, dù nhiều quốc gia đã thực hiện cơ chế một cửa, song đây lại là nơi tắc nghẽn nhiều nhất bởi sự phức tạp của nhiều đầu mối cơ quan quản lý.

Thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân

Một vấn đề quan trọng cũng được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là sự kết nối thể chế, cơ sở hạ tầng và con người để thu hút được sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp vào AEC và trở thành các tác nhân chính tạo ra sự khác biệt cho khu vực.

Để làm được điều này, theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, rất cần có sự đối thoại, tham vấn thường xuyên giữa các Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân.

“Chính phủ có thể đưa ra các kế hoạch rất hay, song nếu không có sự tham vấn và lắng nghe từ khu vực doanh nghiệp, không có sự tham gia của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, không nắm được những vấn đề khó khăn mà họ đang phải đối mặt thì các kế hoạch này cũng không mang tính khả thi.

Các nền kinh tế trong khu vực dù có kết nối và hội nhập đến mấy, song doanh nghiệp không bán được sản phẩm, không thu hút được đầu tư thì cũng không giải quyết được gì”, bà Rebecca nhấn mạnh.

Lan tỏa sức nóng AEC tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Đánh giá về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam có được khi tham gia AEC, các chuyên gia kinh tế ASEAN cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để tận dụng các tiềm năng hợp tác trong AEC để phát triển.

Theo số liệu nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, ước tính vào năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình khá với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Đây sẽ là cơ hội rất tiềm năng đề thúc đẩy phát triển thương mại, thu hút đầu tư mở rộng mạng lưới sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội về sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ. Điều này không chỉ là cơ hội riêng cho Việt Nam mà còn tạo ra cơ hội hợp tác lớn với các doanh nghiệp trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được cơ hội này, vấn đề cốt lõi là cần lan tỏa được sức nóng phát triển của AEC tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và cổ vũ khu vực tư nhân tham gia như một chủ thể tích cực, chủ động, tạo sự chuyển mình cho nền kinh tế cả về chất và lượng.          

Cần đầu mối tiếp cận thị trường ASEAN

Nguyễn Phi Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thành Lộc

Hiện nay, nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà nước thì doanh nghiệp không có đủ động lực để thâm nhập thị trường ASEAN. Lý do là bởi họ không có nhiều thông tin, đầu mối về các thị trường này. Tôi nhận thấy, hiện có rất nhiều đoàn doanh nghiệp tiến hành khảo sát thị trường tại các quốc gia như Nga, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)... nhưng có rất ít chuyến đi khảo sát thị trường ASEAN được tổ chức.

Doanh nghiệp không có đầu mối tiếp cận sẽ rất khó nắm bắt thông tin thị trường, thiết lập quan hệ đối tác và từng bước thâm nhập thị trường mới. Vì vậy, thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước trong việc tạo dựng kênh xúc tiến thương mại ở các thị trường này một cách mạnh mẽ hơn.

Tận dụng AEC mở rộng thị trường kinh doanh

Ông Lê Khắc Hoà, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gia dụng - điện gia dụng Việt Nam

Sản phẩm của chúng tôi nếu so sánh với những sản phẩm cùng loại trên thị trường một số nước ASEAN không có nhiều khác biệt, trong khi giá thành so với Thái Lan thấp hơn tới 20%, nhờ tận dụng yếu tố chi phí nhân công giá rẻ, sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư đầu ngành. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn chiến lược tận dụng AEC để mở rộng thị trường kinh doanh, trước mắt là ở Lào và Campuchia, nhờ thuận lợi về giao thông, thuế và đặc biệt là đối tác bạn hàng tin cậy dựa trên sự hiểu biết chính trị, tình cảm hữu nghị giữa 2 quốc gia nhiều năm qua.

Tin bài liên quan