Yếu tố tâm linh ẩn chứa sâu sắc trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng.

Yếu tố tâm linh ẩn chứa sâu sắc trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng.

Lan tỏa giá trị dân tộc từ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn tồn tại lâu bền, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo không thể thiếu của người Việt. Chứa đựng nhiều giá trị đặc biệt, tín ngưỡng này đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ trao đổi về vấn đề này.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải ngẫu nhiên được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thưa ông, đâu là những giá trị tạo nên sự trường tồn của tín ngưỡng này? 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chứa đựng nhiều giá trị, trong đó phải kể tới giá trị đạo đức truyền thống; giá trị lòng yêu nước; giá trị cố kết cộng đồng dân tộc; giá trị văn hoá tâm linh và giá trị lịch sử.

Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam, mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất, ở góc độ làng xã là thờ thành hoàng làng, ở góc độ quốc gia dân tộc đó là thờ Vua tổ của một nước - Hùng Vương. Do đó, thờ phụng các vua Hùng và những vị anh hùng có công với dân, với nước là thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn, tôn kính công đức của các bậc tiền nhân, là cơ sở hình thành lòng nhân ái, tính cộng đồng.

Quá trình ý thức về tổ tiên, các vua Hùng và những người có công với dân, với nước là khởi phát mối thiện tâm trong mỗi con người, trong cộng đồng xã hội. Điều này nhắc nhở mỗi người hành động theo chuẩn mực nhất định và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, che chở, kỳ vọng của tổ tiên các vua Hùng.

Công đức các vua Hùng được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được cộng đồng tôn thờ, biết ơn. Biểu tượng của người anh hùng lập nước vì thế là cội nguồn của tinh thần yêu nước của dân tộc Việt. Ý thức về các vua Hùng cũng chính là ý thức về cội nguồn dân tộc, đất nước, từ đó hình thành tinh thần tự cường dân tộc, ý thức độc lập tự chủ.

Dân tộc ta trải qua thăng trầm của bao cuộc chiến tranh, nhưng lòng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ được các thế hệ người Việt tiếp nối nhau chưa bao giờ tắt, tạo nên một giá trị đặc trưng nổi bật trong hệ thống giá trị đạo đức truyền thống của người Việt. Dựng nước và giữ nước là chủ đề xuyên suốt tiến trình lịch sử của dân tộc mà cho tới hôm nay, các thế hệ người Việt vẫn đang tiếp nối sự nghiệp của các vua Hùng trong thời đại mới.

Vậy còn giá trị cố kết cộng đồng thì sao, thưa ông?

Giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, là bệ đỡ tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam. Đây là điểm hội tụ văn hoá tâm linh, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa con người, giữa cộng đồng các dân tộc trong thực tại. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng thể hiện sự gắn bó của cộng đồng trong nghĩa “đồng bào”, với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng, cả nước cùng tôn thờ một vị vua Tổ, một biểu tượng văn hóa cho sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của dân tộc, của cả cộng đồng.

Ở cấp độ quốc gia, tính cố kết cộng đồng được thể hiện qua Lễ hội Đền Hùng ở chỗ, đây là ngày hội chung của dân tộc, là nơi quy tụ con Lạc, cháu Hồng khắp mọi miền Tổ quốc. Mọi người Việt Nam thuộc mọi dân tộc, mọi tầng lớp, dù già trẻ, gái trai, dù đang sinh sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài đều có chung một tổ, chung một ngày Giỗ Tổ, chung một cội nguồn.

Trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các yếu tố tâm linh và giá trị lịch sử thể hiện như thế nào?

Trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng, từ các kiến trúc đền, miếu nơi tiến hành các tín ngưỡng đến các nghi lễ tế, lễ rước, lễ vật, phẩm vật, phẩm phục… đến các trò diễn dân gian đều chứa đựng các yếu tố văn hoá tâm linh sâu sắc. Trong cuộc sống, con người đôi khi bất lực trước sức mạnh tự nhiên, có lúc bế tắc trong sự giải thoát và cần tìm đến sức mạnh tinh thần. Do đó, ý thức về tổ tiên giúp con người có niềm tin, tạo nên động lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy tìm tòi vượt qua trạng thái hiện tồn để hướng về phía trước.

Một giá trị khác dễ nhận thấy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị lịch sử. Tín ngưỡng không phải là lịch sử đích thực, mà là lịch sử hiện lên, ánh xạ qua cảm xúc, qua niềm tin, là ý thức của người dân về lịch sử. Trên vùng đất Phú Thọ, có thể thấy dày đặc các câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian, các diễn xướng, các lễ hội truyền thống đều gắn kết với chủ đề dựng nước và giữ nước thời đại các vua Hùng.

Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mai An Tiêm; các trò diễn như múa “tùng dí”, rước ông Khiu, bà Khiu, tế nõ nường...; các lễ hội rước vua về làng ăn tết, rước chúa gái, lễ hội vua Hùng dạy dân trồng lúa, lễ hội hát Xoan... đã thể hiện vùng đất Phú Thọ là kho tàng văn hóa dân gian về thời đại các vua Hùng.

Đằng sau bức màn truyền thuyết là yếu tố lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen. Kết hợp giữa các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ như Gò Mun, Phùng Nguyên, Sơn Vi, làng Cả, xóm Dền và các di vật, cổ vật được tìm thấy quanh núi Hùng như nha chương, trống đồng, rìu, mũi tên... cho ta thấy một thời đại Hùng Vương rực rỡ về Nhà nước Văn Lang cổ đại, trung tâm khởi phát của người Việt cổ.

Thưa ông, để tiếp nối và gìn giữ những giá trị trên, năm nay, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ được tổ chức với những nội dung gì? Đâu là những điểm mới?

Lễ hội Đền Hùng năm 2019 được tổ chức từ ngày 12 đến 14/4 (8-10/3 Âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì và các xã, phường lân cận. Sự kiện do tỉnh Phú Thọ chủ trì, với sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La.

Phần lễ năm nay sẽ bao gồm: Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ diễn ra ngày 6/3 Âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng ngày 10/3 Âm lịch; Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong” và Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức.

Một điểm mới trong nghi thức dâng hương năm nay là, bên cạnh nghi thức do tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, còn có các nghi thức dâng hương của các huyện, thành, thị trong tỉnh; 13/13 huyện, thành, thị đều tổ chức nghi lễ dâng hương tri ân tưởng nhớ công lao các vua Hùng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh trong các ngày từ 1/3 đến 5/3 Âm lịch. Song song với nghi thức dâng hương tưởng niệm các vua Hùng vào sáng 10/3 Âm lịch trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, các di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, các làng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh đều tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng theo tập quán truyền thống...

Về phần hội, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trải dài từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng đến TP. Việt Trì, gồm: Hội trại Văn hóa của các huyện, thành, thị trong tỉnh và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; Liên hoan Văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng….

Lễ hội năm nay cũng có thêm nhiều hoạt động mới khác như: Hát giao lưu tại khu vực ngã 5 Đền Giếng và hồ Mai An Tiêm - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; trưng bày hoa, cây cảnh tại TP. Việt Trì. Tại các sân khấu bờ hồ, Công viên Văn Lang và Quảng trường Hùng Vương, đều có các chương trình biểu diễn nghệ thuật hàng đêm do Đoàn Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ và các đoàn nghệ thuật Quân khu II, Đoàn Nghệ thuật các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Cần Thơ cùng các đơn vị của Phú Thọ biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách thập phương về dự hội.

Đảm bảo “5 không” trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức đúng dịp cuối tuần, nên lượng khách đổ về có thể tăng hơn, ước tính đạt khoảng 7-8 triệu lượt khách. Vì vậy, Ban Tổ chức tiếp tục tăng cường an ninh trật tự, bảo đảm “5 không”: không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm và không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các hạng mục gồm san nền, cải tạo hệ thống đường giao thông, chòi nghỉ chân, nhà vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh cảnh quan đã hoàn thành.

Hệ thống khách sạn, nhà hàng đã được chỉnh trang nâng cao chất lượng dịch vụ. Các khách sạn 4-5 sao và toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú với công suất trên 3.000 phòng đã sẵn sàng phục vụ du khách. Hạ tầng đô thị TP. Việt Trì và cảnh quan Khu di tích lịch sử đền Hùng đã được đầu tư chỉnh trang sạch đẹp.

Để đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát tốt các hoạt động dịch vụ trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương 2019, tỉnh Phú Thọ đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng công an, văn hóa, quản lý thị trường, y tế… thường xuyên kiểm tra hướng dẫn, nhắc nhở các hoạt động kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng quy định của Ban Tổ chức.

Tin bài liên quan