Lấn cấn chương trình riêng về doanh nghiệp Nhà nước

Lấn cấn chương trình riêng về doanh nghiệp Nhà nước

Những lấn cấn về việc nên hay không có một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) càng đòi hỏi phải có một cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, rõ ràng để đảm bảo được hiệu quả nguồn vốn nhà nước, cũng như cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động DNNN.

Cho tới nay, yêu cầu này chưa đạt được. Thậm chí, vẫn còn những khoảng trống pháp lý quy định về mục đích hoạt động, giới hạn phạm vị ngành nghề kinh doanh của DNNN phù hợp với vai trò, chức năng của nhà nước nói chung và khu vực doanh nghiệp này nói riêng. Ngay cả quy định yêu cầu DNNN công khai hóa và minh bạch hóa, tương tự các doanh nghiệp khác cùng loại như trong Luật Doanh nghiệp hiện hành, cũng đang thể hiện sự chưa phù hợp cả về lý luận và thực tiễn với tính chất đặc thù của khu vực này.

Có hai phương án đang được Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đưa ra.

Một là, xây dựng một chương về DNNN để quy định vấn đề quản trị đặc thù. Trong đó, một số nội dung cơ bản được thể hiện là xác định rõ vai trò và sứ mệnh của DNNN và từng DNNN; nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; nguyên tắc quản trị đối với DNNN hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên và yêu cầu công khai, minh bạch…

Tuy nhiên, đứng ở góc độ kết cấu tổng thể của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), nội dung này không phù hợp với bản chất và chức năng vốn có của Luật là quy định về loại hình pháp lý doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế.

Mặt khác, nội dung trong chương này cũng chưa bao quát hết các hoạt động đầu tư, quản lý, giám sát đối với vốn đầu tư nhà nước trong doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu có một chương riêng về DNNN, vô hình trung lại tạo sự phân biệt giữa DNNN với các khu vực doanh nghiệp khác.

Đây cũng chính là cơ sở để Ban soạn thảo đề xuất phương án hai. Đó là chuyển toàn bộ nội dung trên sang Dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp đang được Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng.

Nhìn lại mục tiêu xây dựng Luật Doanh nghiệp 2005, có thể thấy, yêu cầu tạo lập khung khổ pháp lý áp dụng thống nhất khung quản trị theo loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nguồn gốc sở hữu được thể hiện rõ.

Có thể việc phân định, đặt DNNN ở đâu trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành cần phải được cân nhắc một cách cẩn trọng, song phải nhắc lại chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc về Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi trong tuần trước rằng, sẽ không có sự phân biệt về quyền lợi đối với doanh nghiệp nhà nước, mà chỉ là những quy định về quản trị do tính chất đặc thù về sở hữu của khu vực doanh nghiệp này.

Sau cùng, cũng cần phải nhắc lại mục tiêu quan trọng nhất trong các quy định dành cho khu vực DNNN theo chỉ đạo của Phó thủ tướng. Đó là quản lý và giám sát được dòng vốn đầu tư của Nhà nước, cũng như trách nhiệm, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu nhà nước, những người được giao “tiêu” những khoản tiền không phải thuộc sở hữu của mình.

Tin bài liên quan