Các vấn đề cần xin ý kiến có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến các quy định khác nhau, khiến cho không gian của người đại diện trong nhiều trường hợp rất chật hẹp, mà theo như nhận xét của không ít người đại diện là vấn đề gì cũng phải báo cáo.

Các vấn đề cần xin ý kiến có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến các quy định khác nhau, khiến cho không gian của người đại diện trong nhiều trường hợp rất chật hẹp, mà theo như nhận xét của không ít người đại diện là vấn đề gì cũng phải báo cáo.

Làm tốt những cánh tay nối dài, phát huy hiệu quả vốn nhà nước

(ĐTCK) Một loạt khuôn khổ pháp lý mới được ban hành liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước đã khiến đại diện vốn nhà nước trở thành một nghề khó hơn, chưa kể những thách thức mới đến từ môi trường kinh doanh đang thay đổi và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Không gian chật hẹp

Người đại diện vốn nhà nước, theo cách nhìn của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phải đóng nhiều vai. Họ vừa là đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ cổ đông/thành viên/chủ sở hữu là Nhà nước, vừa là cổ đông của doanh nghiệp (DN), lại là người quản lý DN.

Người đại diện vốn nhà nước thường được cử vào những chức vụ lãnh đạo công ty như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng... Với tư cách đại diện vốn nhà nước, họ chịu sự chỉ đạo của cổ đông nhà nước, là cơ quan ủy quyền đại diện cho họ. Với tư cách là người lãnh đạo DN, họ phải tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi DN.

Làm tròn nhiều vai, theo chia sẻ của không ít lãnh đạo DN quả thực rất khó khăn. Phó tổng giám đốc một tổng công ty lớn thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho biết, DN mà ông đại diện vốn nhà nước đang ở tình trạng rất phức tạp. Nhà nước sở hữu 51% vốn, nhóm cổ đông bên ngoài nắm giữ gần 40%. Trong khoảng thời gian 2 - 3 năm trở lại đây, DN sản xuất - kinh doanh hiệu quả, có quy mô lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng, cổ tức 70 - 80%/năm.

Đến năm 2018, cổ đông nhà nước muốn sử dụng một phần lợi nhuận để lại để tái đầu tư, song nhóm cổ đông bên ngoài chỉ muốn chia cổ tức thật cao. Cổ đông nhà nước muốn thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, nhưng nhóm cổ đông bên ngoài không đồng thuận.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Công ty đã phải dừng ngay từ những phút đầu vì cổ đông biểu quyết không thông qua bất cứ nội dung nào… Chỉ cần ứng phó với những tình huống trên, người đại diện vốn nhà nước như ông đã “hết hơi”, chưa nói đến các hoạt động quản trị DN khác.

Người đại diện vốn nhà nước của một tổng công ty thuộc ngành xây dựng lại than khó vì việc đầu tư dự án đòi hỏi nhiều quyết định linh hoạt, phản ứng nhanh theo diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, trong môi trường cạnh tranh quyết liệt, dự án khu đô thị của DN đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng lại càng cần có những quyết định dứt khoát. Tuy nhiên, để có được ý kiến của cơ quan chủ sở hữu vốn cần phải có thời gian và tuân thủ theo đúng các quy trình, quy định. Vậy là đành để các cơ hội trôi qua, dự án cứ dậm chân tại chỗ.

Người đại diện vốn nhà nước hiện đang phải tuân thủ nhiều quy định. Theo nhận xét của ông Hiếu, hệ thống khuôn khổ pháp lý, quy chế, quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn nhà nước, liên quan đến hoạt động của người đại diện vốn nhà nước đã ngày càng được hoàn thiện.

Cụ thể, 2 văn bản mới nhất là Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, và Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đã quy định rất chặt trách nhiệm của người đại diện vốn.

Theo đó, một loạt vấn đề người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu vốn như tăng giảm vốn, sửa đổi bổ sung điều lệ, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, chia cổ tức… Đặc biệt, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP có thêm một mục yêu cầu người đại diện vốn tại DN do nhà nước nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu “các vấn đề khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành và không trái với quy định tại Điều 48 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và quy định của pháp luật có liên quan”.

Trong khi đó, "các vấn đề khác" có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau dẫn đến các quy định khác nhau khiến cho không gian của người đại diện trong nhiều trường hợp rất chật hẹp, mà theo như nhận xét của không ít người đại diện là vấn đề gì cũng phải báo cáo. Đáng nói hơn, các nghị định chỉ quy định chung chung rằng, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn có ý kiến kịp thời bằng văn bản đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến. “Kịp thời” ở đây được hiểu là như thế nào, tính bằng tuần, tháng hay năm?”, nhiều người đại diện đặt câu hỏi.

Đề cao tính trách nhiệm

Ông Phan Đức Hiếu đã rất thẳng thắn khi nói rằng, đại diện vốn nhà nước là nghề khó. Những tình huống khó xử với người đại diện vốn như đã đề cập ở trên, thực tế cũng rất khó xử với cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước, mà nguyên nhân nằm ở bản chất mô hình DN.

Kinh doanh đòi hỏi việc chấp nhận rủi ro, nhưng kinh tế nhà nước lại khó đáp ứng yêu cầu này, vì thế tại DN có sở hữu nhà nước, những cơ hội mới, dự án mới phải được xem xét rất kỹ, theo đúng các trình tự đã được quy định và người ta thường có xu hướng không muốn quyết định rủi ro.

Một yếu tố khác tác động đáng kể đến những quyết định của chủ sở hữu vốn nhà nước là tính ngắn hạn, tính nhiệm kỳ do đặc thù liên quan đến những quy định về thời gian công tác, nhân sự… Bởi vậy, quan hệ của chủ sở hữu vốn và người đại diện, dù khuôn khổ pháp lý có quy định chặt chẽ hay cụ thể đến đâu, cũng sẽ rất khó “tốt đẹp” nếu không có sự hợp tác, phối hợp tốt giữa hai bên.

“Các quy định pháp lý đặt ra những nguyên tắc chung, nhưng vận dụng lại đòi hỏi thực tế phù hợp. Sự phối hợp tốt, trong phần lớn các trường hợp, phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi vai trò người đại diện vốn nhà nước với trách nhiệm cao nhất, đặt lợi ích DN, lợi ích nhà nước lên cao nhất”, ông Hiếu nhận xét.

Tuy nhiên, việc chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người đại diện vốn nhà nước là chưa đủ. Bối cảnh nhiều ngành kinh doanh đang có sự thay đổi và chịu áp lực cạnh tranh dữ dội. Dược phẩm là ví dụ, các doanh nghiệp đang bám đuổi nhau quyết liệt về thị phần.

Theo công bố của Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam năm 2018 tiếp tục duy trì 2 con số, ước tính dưới 15%, với doanh số toàn thị trường tiệm cận mức 10 tỷ USD. Mức chi tiêu cho dược phẩm tính trên đầu người Việt Nam mới đạt 30 - 40 USD, so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng lớn nguồn thu trên rơi vào dược phẩm nhập khẩu và các nhà cung cấp nguyên liệu, DN dược trong nước đang chia nhau miếng bánh rất nhỏ.

Năm 2018, phần lớn Top 10 DN dược đang niêm yết trên thị trường chứng khoán đều tăng trưởng âm. Lãnh đạo một DN đầu ngành khi được hỏi về kết quả kinh doanh năm đã chia sẻ: “Việc DN đạt 95% kế hoạch doanh thu mà Đại hội đồng cổ đông đặt ra là sự nỗ lực lớn, toàn công ty đã căng hết sức”.

Bởi thế, mục tiêu doanh số và lợi nhuận 2019 buộc phải tăng trưởng theo yêu cầu của đại hội đồng cổ đông sẽ là áp lực lớn với DN, với những người đại diện vốn nhà nước đang đảm nhận chức vụ quản lý DN. Họ mong có sự đồng hành của các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.

Tối ưu hóa công tác đại diện vốn

“SCIC nhận thức rất rõ về những khó khăn trên. Do đó, với vai trò cơ quan quản lý vốn nhà nước, hành xử trên tâm thế một cổ đông của DN, SCIC đã liên tục học hỏi, kiện toàn, ban hành và cập nhật thêm các công cụ, phương thức làm việc để đồng hành với người đại diện, đồng hành với DN nhằm đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho DN, cho Nhà nước”, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết.

SCIC đang tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý người đại diện, đặc biệt trong việc kết nối, cập nhật thông tin thường xuyên giữa SCIC và người đại diện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa người đại diện và SCIC. Sắp tới, Tổng công ty sẽ đưa phân hệ kết nối thông tin DN thông qua người đại diện thuộc dự án phần mềm quản trị nhân sự và kết nối thông tin thông qua người đại diện vào áp dụng trên thực tế.

Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho người đại diện là lãnh đạo của DN, SCIC phối hợp các DN kiện toàn đội ngũ lãnh đạo thông qua việc sắp xếp lại, bổ sung mới và cử biệt phái cán bộ SCIC nếu cần thiết. Đồng thời, tăng cường triển khai các khoá tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để cập nhật thông tin tới lãnh đạo DN và đào tạo các cán bộ trong quy hoạch để xây dựng đội ngũ kế cận.

Tiến trình tái cơ cấu DN nhà nước, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Bởi vậy, trong nhiều DN sẽ có sự đa dạng về cơ cấu cổ đông, bao gồm cổ đông nhà nước, cổ đông nước ngoài, cổ đông cá nhân… Công tác đại diện vốn nhà nước do đó sẽ đòi hỏi ngày càng chuyên nghiệp hơn, góp phần tối ưu hóa hiệu quả DN, phát huy hiệu quả đồng vốn nhà nước.    

Tin bài liên quan