Các chuyên gia cho rằng, thực phẩm là một ẩn số cho lạm phát năm nay

Các chuyên gia cho rằng, thực phẩm là một ẩn số cho lạm phát năm nay

Lạm phát cuối năm: Ẩn số lương thực - thực phẩm lộ diện

Sau đợt tăng giá đầu năm rồi tạm ổn định, từ cuối tháng 6, giá lương thực - thực phẩm lại có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, chu kỳ tăng giá cuối năm, hậu quả của mùa bão lụt đang đến... khiến cho ẩn số này đang lộ dần tác động đối với lạm phát những tháng tiếp theo.

 

Năm 2011, sau khi Chính phủ công bố các chính sách thắt chặt để chống lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với các diễn biến tình hình kinh tế thế giới, các chuyên gia trong nước đã dự báo được lạm phát sát với diễn biến cho đến thời điểm này cũng như so với kế hoạch của Chính phủ cho đến hết năm.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thực phẩm là một ẩn số cho lạm phát năm nay. Sau đợt tăng giá đầu năm rồi tạm ổn định, từ cuối tháng 6, giá lương thực - thực phẩm lại có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, chu kỳ tăng giá cuối năm, hậu quả của mùa bão lụt đang đến... khiến cho ẩn số này đang lộ dần tác động tới lạm phát.

 

 

Đợt tăng giá mới

 

Một báo cáo mới đây từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau một thời gian giảm nhẹ, giá thịt lợn trên thị trường lại tiếp tục tăng trở lại. Tại miền Bắc giá thịt lợn hơi từ 67.000 - 68.000đ/kg, cao hơn giá thịt lợn ở miền Nam từ 7.000 - 10.000đ/kg. Đây được cho là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân tăng giá được cho là do khan hiếm nguồn cung đến từ dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao... Được biết, tính trung bình 6 tháng đầu năm 2011 so với thời điểm tháng 12 năm 2010, thức ăn hỗn hợp cho lợn tăng 16,8%.

 

Khảo sát trên thực tế gần đây ở TP. HCM cho biết, thịt lợn và trứng gia cầm đang là hai mặt hàng có dấu hiệu khan hiếm và tăng giá.  Đại diện Công ty Vissan, cho biết, trong ngày 23-6, giá heo hơi tại TP. HCM đã lên đến 63.000 đồng/kg (ở các tỉnh phía Bắc là 68.000 đồng/kg), kéo theo giá thịt đùi ngoài thị trường tăng lên 105.000 - 110.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán giá 130.000 đồng/kg. Từ đó khiến các loại giò chả chế biến từ thịt heo cũng vượt mức 180.000 đồng/kg.

 

Trong khi đó, một số DN khác cho biết, nguồn cung trứng gia cầm đang bị giảm mạnh trong khi nhu cầu tiêu dùng không giảm, còn các DN trong nước và thương lái Trung Quốc đang mua gom để chuẩn bị cho mùa bánh trung thu. Giá trứng hiện đã lến đến 36.000 - 37.000 đồng/chục. Vì thế, nhiều DN lo ngại, từ tháng 9 đến Tết Nguyên đán, sức mua sẽ tăng kéo theo giá thịt heo và trứng gia cầm nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng.

 

Trong khi đó ở Hà Nội, một đợt sóng tăng giá đầu tiên của những tháng cuối năm đã đến sau tác động của cơn bão số 2. Không chỉ các loại thực phẩm chủ chốt mà cả các loại rau xanh cũng tăng giá lên mức rất cao, thậm chí có những mặt hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Cụ thể là rau muống giá bán lẻ từ 3.000 đồng đã tăng lên 5.000 đồng/mớ, cải ngọt từ 8.000 đồng đã tăng lên 10.000 đồng/kg, mướp từ 7.000 đồng tăng lên 10.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/kg... Các loại rau thơm cũng tăng ở mức đáng kể.

 

Khảo sát tại các chợ đầu mối thì các loại thủy hải sản cũng trên đà tăng giá thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg, nhất là các loại hải sản đắt hàng như mực, tôm sú, cá biển có mức tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cá trôi tăng vọt từ 65.000 đồng lên 70.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 100.000 đồng/kg tăng lên 120.000 đồng/kg; cá chép là 120.000 đồng tăng lên 140.000 đồng/kg... Trong khi đó, các loại thịt lợn đã lến đến 130 - 150 ngàn đồng/kg; gà ta 155.000 đồng/kg, thịt bò 250.000 đồng/kg. Các tiểu thương ở đây cho biết, tăng giá là do mưa bão làm ngập úng, gây thiệt hại rau màu và cá nước ngọt. Sắp tới, khi vào cao điểm mùa lụt bão thì giá cả có thể sẽ còn đắt hơn.

 

Sự tăng giá khá mạnh, đi cùng với dấu hiệu nguồn cung khan hiếm đã khiến cho các siêu thị và các điểm bình ổn giá cũng phải tăng giá theo, Cụ thể, khi giá trứng thi trường tăng đã khiến giá trứng bán tại các điểm bình ổn ở TP. HCM cũng tăng từ 29.500 đồng lên 32.500 đồng/chục. Thậm chí, các DN còn lo ngại sẽ phải điều chỉnh tiếp vì giá chưa có dấu hiệu giảm. Còn tại các siêu thị như Big C Thăng Long (Hà Nội), Coopmart cũng đã buộc phải điều chỉnh giá lên. Thấp thì ở mức 5 - 7% đối với mặt hàng thịt lợn, cao nhất thuộc về một số loài thủy sản với mức tăng có khi lên đến trên 20%.

 

Trong khi đó, dự báo mới nhất từ Bộ Công thương cho biết, dù giá lúa gạo đang ở mức ổn định song sẽ có xu hướng nhích lên do chương trình thực hiện tạm trữ 1 triệu tấn lúa và các DN tăng thu mua để thực hiện nốt các hợp đồng từ nay đến cuối năm

 

Suy giảm chất lượng sống

 

Nếu như những tháng đầu năm, nguyên nhân tăng giá chủ yếu không phải từ thiếu hụt nguồn và tăng cầu cung mà do tác động từ việc tăng giá các nguyên liệu đầu và tác động tâm lý thì xem ra đợt tăng giá mới còn có những dấu hiệu đáng ngại hơn. Trong khi các yếu tố đầu vào trực tiếp như: giá phân bón, thức ăn chăn nuối... được dự báo tiếp tục tăng lên trong những tháng cuối năm, còn các đầu vào khác như: xăng dầu, điện... vẫn có thể tăng tiếp khiến chi phí và giá cả nông sản tăng lên.

 

Viện Nghiên cứu Thương mại lưu ý, hiện giá các mặt hàng thủy sản không đuổi kịp đà tăng giá của nguyên, nhiên liệu, giá thức ăn chăn nuôi và giá con giống tăng cao... khiến một bộ phân nông dân không mặn mà với đầu tư sản xuất vì lợi nhuận ít và rủi ro cao...

 

Trong khi đó, nguồn cung đang đi vào một giai đoạn khó khăn do tác động của mùa thiên tai, lụt bão khắp cả nước... khiến cho nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng và tăng thêm yếu tố tâm lý. Bên cạnh đó, yếu tố bất thường từ việc thu gom từ thương lái Trung Quốc cũng đã được các cơ quan chức năng thừa nhận là yếu tố làm tăng giá trong nước. Thậm chí, Bộ Công thương còn cho rằng, trái với quy luật hàng năm, thời điểm sau Tết và mùa hè nắng nóng là lúc nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi sống sẽ giảm nên giá thực phẩm cũng giảm theo, thì nay giá thực phẩm đặc biệt là thịt lợn tăng liên tiếp trong 6 tháng đầu năm và những tháng cuối năm sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.

 

Mặt khác, nhu cầu cuối năm thường tăng cao nhất là vào các dịp lễ tết không chỉ làm tăng thêm cẳng cho cung cầu mà còn làm cho yếu tố tâm lý có thêm điều kiện để phát huy, các đơn vị phân phối có thêm lý do để lợi dụng tăng giá. Chính vì thế, không giấu nổi lo lắng, các chuyên gia đang theo dõi về nguy cơ một làn sóng tăng giá đồ ăn và dịch vụ ăn uống cuối năm tác mạnh mẽ khiến CPI có thể có những diễn biến mới.

 

Hiện nay, nhóm lương thực - thực phẩm vẫn chiếm quyền số rất lớn trong chỉ số giá - CPI lên đến hơn 40%. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của nhóm hàng này nhưng đồng thời cũng cho thấy sự ảnh hưởng của nó lên đời sống người dân khi lạm phát tăng. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều những báo cáo khảo sát gần đây đều mang lại một nhân định chung là lạm phát mà cụ thể là tăng giá lương thực - thực phẩm đã làm suy giảm chất lượng sống của một bộ phận lớn dân cư khi họ dùng phần lớn thu nhập của mình để lo cho chuyện ăn uống. Và thực tế người dân trả tiền ngày càng cao nhưng mua được ít, thu nhập có tăng nhưng chất lượng cuộc sống không mấy được cải thiện.

 

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia ngân hàng thế giới cho rằng đại đa số người nghèo, sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp và có khả năng dễ bị tổn thương nhất nếu giá lương thực tăng cao khi mà 75% thu nhập của họ chỉ dành cho nhu cầu thực phẩm.

 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá thực phẩm 6 tháng đầu năm so với tháng 12/2010 tăng 22,21% và là nhóm có mức tăng cao nhất trong cơ cấu tính CPI. Trong khi đó, giá lương thực phẩm cũng tăng đến hơn 20%... So với đà tăng thu nhập thì rõ ràng chất lượng bữa ăn bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

 

Lạm phát từ này đến cuối năm vẫn tiếp tục dâng lên ở mức 17 - 18%. Trong đó, nhân tố lương thực thực phẩm tiếp tục thể hiện sự bất ổn mạnh mẽ hơn. Điều đó cho thấy, ẩn số đáng lo ngại đang ngày càng bộc lộ sự tác động của mình. Và dường như, ngoài những biện pháp hỗ trợ, bình ổn thị trường ngắn hạn... thì chưa nhìn thấy những chương trình đầu tư lớn để làm thay đổi chi phí và điều kiện sản xuất nhằm gia tăng số lượng, chất lượng giá giá cả nông sản ổn định hơn, nông dân sống ổn hơn.

 

Khảo sát mới đây của Oxfam cho biết, giá bán lẻ bình quân của hầu hết mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tại các điểm khảo sát, những mặt hàng có mức tăng giá mạnh là lương thực, thực phẩm; điện, xăng, gas... làm giảm sức mua, giảm chất lượng cuộc sống, làm trầm trọng thêm các khó khăn cố hữu của là người nghèo. Đối với người nghèo giá cả tăng làm tăng tác động bất lợi đến dinh dưỡng và sức khỏe, đến việc tiếp cận dịch vụ cơ bản (giáo dục, y tế). Đối với nhóm người nhập cư, giá cả tăng làm trầm trọng hơn khó khăn do chi phí sinh hoạt của họ, trong khi đối với nhóm công nhân nhập cư, nó làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ lao động, ảnh hưởng đến tính ổn định nghề nghiệp.