Làm gì để đạt 1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020?

(ĐTCK) Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 đang đặt ra nhiều thách thức khi dư địa và áp lực cải cách ngày càng tăng trong bối cảnh các quốc gia đang dốc sức chạy đua cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu này, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đòi hỏi những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan, cũng như chính các doanh nghiệp.

Theo báo cáo Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã tăng 19 bậc. Nhờ đâu chúng ta có bước tiến này?

Trước đây, khởi sự kinh doanh gồm 19 bước và 22 ngày, trong đó có thủ tục sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố nội dung kinh doanh. Khâu này cũng tính là 1 thủ tục và thời gian thực hiện là 5 ngày.

 Ông Phan Đức Hiếu.

Nhằm cắt giảm thủ tục cũng như thời gian, các phòng đăng ký kinh doanh của địa phương đã có sáng kiến gộp "2 thành 1", tức là khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký, có thể nộp luôn yêu cầu công bố nội dung đăng ký.

Như vậy, sau khi cấp giấy chứng nhận, phòng đăng ký sẽ công bố nội dung thay cho doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận không phải quay lại làm thủ tục công bố. Kết quả, ở bước khởi sự, thủ tục đã được rút từ 9 xuống 8 bước, thời gian giảm đi 5 ngày, nâng tổng số ngày đã giảm từ 22 ngày xuống 17 ngày.

Không dừng ở đó, có phòng đăng ký địa phương còn gộp "3 trong 1", đó là khi cấp giấy chứng nhận thì cấp luôn cả mã tài khoản để công bố với cơ quan thuế.

Trong bối cảnh Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chưa có hiệu lực (dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2019), sáng kiến này là bước cải cách hợp lý và đáng ghi nhận nhằm rút ngắn số lần đi lại, cũng như thời gian làm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, từ đó giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đây có lẽ là một trong những lý do giúp chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam được thăng hạng. 

Tuy chỉ số khởi sự kinh doanh ghi nhận sự cải thiện, nhưng vị trí xếp hạng chung lại giảm. Trong bối cảnh đó, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 có khả thi, thưa ông? 

Mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 không chỉ dựa vào chỉ số khởi sự kinh doanh, mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trước tiên chúng ta phải tính toán được số doanh nghiệp được thành lập còn hoạt động bằng cách lấy số doanh nghiệp thành lập mới trừ đi lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, cộng với doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm hơn rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu này và yếu tố mấu chốt ở đây là cần có một môi trường kinh doanh thực sự có chất lượng, an toàn, ít rủi ro để doanh nghiệp có thể tồn tại, hoạt động và phát triển một cách bền vững. Khi đó, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp mới có thể đạt được. 

Vậy thách thức lớn nhất hiện nay là gì?

Theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay là quyết tâm của các bộ, ngành liên quan trong việc thực thi mục tiêu. Các nước xung quanh cũng đang đẩy mạnh cải cách, mà chúng ta chỉ nỗ lực không thôi là chưa đủ, phải quyết tâm gấp nhiều lần so với trước đây thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra và đó chính là thách thức.

Thời gian qua, các bộ, ngành đã chịu nhiều áp lực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19. Nay nếu phải cải thiện hơn nữa để vượt qua các nước khác là vấn đề không nhỏ. Duy trì nỗ lực đã khó, đòi hỏi nỗ lực ấy tăng gấp nhiều lần lại càng khó hơn.

Tuy nhiên, các cơ quan cần thấy rằng, đây là cơ hội để vượt lên, bứt phá, nếu không tranh thủ tăng tốc, đẩy mạnh cải cách thì cơ hội sẽ mất đi, trong khi chi phí làm lại sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều, thời gian làm lại cũng rất dài và lợi ích sẽ giảm dần. 

Để thúc đẩy cải thiện thực sự môi trường kinh doanh, tới đây chúng ta cần phải làm gì, theo ông?

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp tới đây được kỳ vọng sẽ góp phần giúp khởi sự kinh doanh thuận lợi hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, trong đó loại bỏ nhiều thủ tục không còn cần thiết như con dấu...

Theo đó, nên trao toàn quyền làm và sử dụng con dấu cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thủ tục công bố nội dung đăng ký kinh doanh cũng nên bỏ vì không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Với việc bãi bỏ các bước này thì thủ tục đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được rút ngắn đáng kể.

Hay như thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận kinh doanh của doanh nghiệp, tuy Luật đã quy định không quá 3 ngày, song theo ghi nhận của WB, thời gian thực tế mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tuân thủ vẫn là 5 ngày, tức là doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần để sửa đổi và nộp hồ sơ, tương tự là thủ tục in và mua hoá đơn...

Quy định và thực tế thực thi pháp luật cần đảm bảo tương thích để doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi, đó mới là hiệu quả toàn diện của cải cách.

Tin bài liên quan