Kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội kinh doanh trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD cho doanh nghiệp

Kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội kinh doanh trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra ngày 17/4.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải, Điều phối viên Ban Thư ký VBCSD cập nhật những con số biết nói về lợi ích và cơ hội mang lại từ việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4,5 nghìn tỷ USD cho doanh nghiệp, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu bớt các rủi ro đến từ việc khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp đón đầu chính sách khi các nhà lập pháp sẽ xây dựng thêm nhiều chính sách mới để định hướng hoạt động của doanh nghiệp theo chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của quốc gia.

Ông Andrew Thomas Mangan, Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Hoa Kỳ (US BCSD) cho biết, năm 2015, Việt Nam phát sinh khoảng 27 triệu tấn chất thải và con số này vẫn tăng lên hàng năm.

Hiện nay, 70% bãi xử lý chất thải ở Việt Nam không được xếp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Mặt khác, muốn biến chất thải thành nguyên vật liệu giá trị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kiểm soát, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân phối cho nguyên liệu thứ cấp. Nhà đầu tư lại khó tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng như khó đánh giá, kiểm soát thông tin về nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.

Do đó, ông Andrew Thomas Mangan cũng đánh giá cao sáng kiến của VBCSD/VCCI trong việc thực hiện Dự án Thị trường Nguyên vật liệu Thứ cấp – nơi các nhà sản xuất có thể mua, bán và trao đổi các thiết bị, nguyên vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng, qua đó giúp tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu vẫn còn giá trị sử dụng, giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam một cách bền vững hơn.

Bà Regula Schegg, Giám đốc điều hành khu vực châu Á Circulate Capital cho biết, hiện nay có khoảng 150 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên đại dương và mỗi năm số rác thải nhựa này tăng thêm khoảng 8 triệu tấn.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á cần khoảng 26 nghìn tỉ USD để cải thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng từ năm 2016 đến năm 2030.

“Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm 45% lượng nhựa thông qua cải thiện quản lý và tái chế chất thải tại Trung Quốc, Indonexia, Việt Nam và Thái Lan”, bà Schegg cho hay.

Đồng thời, bà Regula Schegg nhấn mạnh, tầm quan trong việc thành lập Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (VCCE) với mục tiêu đề xuất các khuyến nghị về chính sách, đồng thời giới thiệu những thông lệ tốt của các doanh nghiệp trên thế giới đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ thực hiện những sáng kiến dựa trên mô hình hợp tác công – tư.

Sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” là hoạt động đầu tiên của Chương trình, hướng đến bốn mục tiêu. Đó là: giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng VCCI kiêm Phó chủ tịch VBCSD kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp chung tay trong những nỗ lực thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. “Chúng ta lựa chọn kinh tế tuần hoàn ngay từ hôm nay để có thể cùng nhau kiến tạo một tương lai xanh cho ngày mai”.

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.

Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức như sửa chữa, tái sử dụng, tái chế và thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê.

Hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” là một trong ba hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019, được VBCSD/VCCI tổ chức theo chỉ đạo của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các kiến nghị từ Hội thảo sẽ được tổng hợp để báo cáo tại Hội nghị toàn quốc dự kiến vào tháng 11/2019.

Tin bài liên quan