Kinh tế tư nhân: Chờ bước nhảy vọt

Kinh tế tư nhân: Chờ bước nhảy vọt

(ĐTCK) Doanh nghiệp tư nhân mạnh về số lượng, nhưng chưa khỏe. Có thể thấy rõ điều này qua thống kê, trong cơ cấu doanh nghiệp của nền kinh tế, doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 96,7%, doanh nghiệp nhà nước chỉ còn 0,5%, doanh nghiệp FDI chiếm 2,6%... Song đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tư nhân mới đạt xấp xỉ 49%. 

Tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước đã có thời gian dài không tăng, thậm chí có nhiều năm giảm mạnh.

Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khoá, lao động? Nếu do môi trường thì Nhà nước cần làm gì nữa để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?

Những câu hỏi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam trong một cuộc tọa đàm mới đây cũng là những trăn trở được giới chuyên gia kinh tế mổ xẻ lâu nay.

Ðã có nhiều ý kiến tâm huyết được gửi tới người đứng đầu Chính phủ, với mong muốn khu vực kinh tế năng động này sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phát triển, sẽ có dư địa để tăng trưởng, thay vì co cụm và chủ yếu lo chuyện tồn tại như hiện nay.

Tập trung vào khu vực tư nhân như một đòn bẩy cho nền kinh tế là chủ trương phù hợp xu thế thời đại. Nhưng giải pháp quan trọng nhất để khu vực này phát triển lại không đến từ chính khu vực tư nhân, mà chịu ảnh hưởng lớn từ hai cải cách quan trọng khác là cải thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Phân bổ lại các nguồn lực một cách hợp lý, kinh tế tư nhân sẽ có thêm dư địa để phát triển, có thể tiếp cận được nhiều nguồn lực như vốn, đất đai, thị trường...

Với một chính phủ hành động, với rất nhiều chuyển biến về thể chế gần đây, đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân đang có các dấu hiệu tích cực. Các số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, giá trị đầu tư ngoài nhà nước đạt 450,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vị thế của kinh tế tư nhân đang lên và theo nhận định của giới chuyên gia, tới đây sẽ trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Muốn vậy, thể chế và chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư cần có bước tiến đột phá, để hấp dẫn hơn nữa các doanh nghiệp, doanh nhân.

Song song với nỗ lực cải thiện trình độ quản trị quốc gia, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện quản trị, gia tăng năng suất lao động. Tăng trưởng khi ấy mới có thể kỳ vọng bền vững.

Tin bài liên quan