Kinh tế quý II đối diện nhiều thách thức

Kinh tế quý II đối diện nhiều thách thức

(ĐTCK) Kinh tế quý II và các quý còn lại của năm sẽ đối diện nhiều khó khăn do các yếu tố nội tại cũng như diễn biến bất định của thị trường thế giới, xu hướng suy giảm tăng trưởng của các thị trường lớn. Đây là dự báo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019.  

Theo đánh giá của CIEM, Việt Nam đã trải qua quý I với nhiều diễn biến khó khăn bất định trên thị trường thế giới, song nhìn chung vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá. GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với cùng kỳ 2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009 - 2017.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tiềm năng thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục suy giảm. Trong bối cảnh này, CIEM cho rằng, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong quý II đến cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 như đã đề ra.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM cũng lưu ý một số vấn đề đang nổi lên trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ðó là khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu; các doanh nghiệp chế biến, chế tạo bớt lạc quan hơn về tình hình sản xuất - kinh doanh trong quý I.

Theo kết quả cập nhật dự báo của CIEM,tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%; tăng trưởng xuất khẩu dự báo 9,02%; thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD; mức tăng CPI trong năm là khoảng 3,71%.

Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin minh bạch. Các doanh nghiệp cũng đang lo ngại về lãi suất cao.

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Ðình Cung, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II - IV/2019 sẽ không thuận chiều do chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, tác động trực tiếp tới nền kinh tế trong nước.

Cụ thể, ông Cung dẫn kết quả khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 2 cho thấy, xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%%, 45,7% và 39,1%. Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ cũng có thể sẽ được cân nhắc thận trọng hơn.

Khảo sát của Reuters trong giai đoạn 11 - 14/3 cũng cho thấy, 55% ý kiến dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ít nhất một lần trước quý IV (trong khi lần khảo sát trước cho đồng thuận là tăng lãi suất trong quý II). Ðiều này thể hiện rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại. Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác (chẳng hạn, Nhật Bản).

Một yếu tố đáng chú ý khác là dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, song khả năng phê chuẩn có thể sẽ chậm so với kỳ vọng do EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ, đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý I) nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt, do đó những kỳ vọng về thúc đẩy xuất khẩu đóng góp vào mức tăng của tăng trưởng GDP cũng còn chưa rõ ràng.

Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.

Liên quan đến thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm với tác động từ bên ngoài, theo ông Cung, thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị…, qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh hội nhập đã rất sâu rộng, độ mở nền kinh tế rất cao, ở mức 230%, nếu có những biến động bên ngoài mà nội tại nền kinh tế chưa có sự phát triển ổn định thì chắc chắn tác động là rất lớn. Mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, kiểm soát lạm phát là 1 trong 3 trụ cột quan trọng cùng với chính sách tỷ giá và  giải quyết công ăn việc làm để đảm bảo ổn định vĩ mô cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.

“Tỷ lệ lạm phát bình quân quý I là 2,63% là mức vừa phải, tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Việc tăng giá điện và nhất là giá xăng dầu liên tục trong 2 kỳ điều hành gần đây sẽ tác động đến CPI và có thể kéo dài tới 2 - 6 tháng và thậm chí là cuối năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn cần sự thận trọng”, PGS TS Nguyễn Ðức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến nghị.   

Tin bài liên quan